Sinh viên chọn chạy xe grab để làm thêm (Ảnh minh họa)
Báo động tình trạng ham làm, ít học
Nhiều lần di chuyển bằng xe grab tại Huế, người viết thường bắt gặp tài xế chở mình là sinh viên. N.T.N, quê ở Gia Lai, đang học ở một trường thuộc ĐH Huế chia sẻ, việc trồng trọt ở quê không thuận lợi, gia đình khó khăn nên bên cạnh việc học, em chạy xe để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Khi hỏi về những ảnh hưởng đến việc học, N. thở dài: “Học ĐH thì SV có thể chủ động nhưng đôi khi vì ham làm, cũng ít xem lại bài, đợi đến mùa thi mới học”.
Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, tuy đến nay chưa có số liệu thống kê cụ thể từ tất cả các cơ sở đào tạo về tình trạng SV làm thêm trong lĩnh vực vận tải công nghệ, song qua tìm hiểu, xu hướng SV làm công việc này tăng lên trong 2 năm gần đây. Còn theo ThS. Thái Nhật Trường, Phó Trưởng phòng Công tác học sinh, SV Trường ĐH Khoa học, SV ngoại tỉnh chạy grab có xu hướng đông hơn, một phần vì các em xa nhà khó khăn, phần vì thiếu sự quản lý của gia đình, một số em thấy làm có tiền nên bỏ bê việc học.
ThS. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác SV Trường ĐH Nông lâm thừa nhận: “Ngay cả khi đứng lớp giảng dạy, bản thân tôi thấy thực sự ảnh hưởng. Giờ học các em vẫn đến trường, nhưng chất lượng và hiệu quả không đảm bảo, một số em thiếu tập trung hoặc vẫn có tình trạng vắng một số buổi”.
Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, một số SV rơi vào tình trạng một buổi đi học, một buổi đi làm, phải thường xuyên kiểm tra máy điện thoại để đón khách. Trong khi đó, ở bậc ĐH Huế, một giờ học ở lớp thì các em phải cần thêm nhiều giờ tự học ở nhà nhưng vì dành quá nhiều thời gian cho việc làm thêm, đã ảnh hưởng đến việc học. Đó là chuyện đáng báo động.
Khảo sát của phóng viên với các SV làm thêm trong lĩnh vực vận tải công nghệ, nhiều trường hợp đưa ra lý do khác nhau. Có SV cho rằng vì thời gian rảnh khá nhiều, làm cho vui hoặc vì thu nhập hấp dẫn, dễ làm nhưng cũng có nhiều trường hợp tâm sự, vì gia đình hoàn cảnh, nếu không làm thì khó đáp ứng được chi phí trang trải cuộc sống, nhất là trong bối cảnh xa nhà. Trong khi đó, theo đại diện ĐH Huế, SV miền Trung còn khó khăn và làm thêm trong lĩnh vực vận tải công nghệ cũng là lao động chính đáng, luật không cấm vì thế rất khó để có hướng can thiệp phù hợp.
Cần khảo sát và có giải pháp
Hiện nay, Nhà nước và các trường vẫn có nhiều cơ chế hỗ trợ các SV khó khăn, vì thế không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh mà cần chủ động tìm giải pháp phù hợp.
Ở môi trường giáo dục, ngoài ý thức người học thì vai trò của nhà trường đặc biệt quan trọng. Hiện, các trường đang thiếu những khảo sát cụ thể về tình trạng SV làm thêm trong lĩnh vực vận tải công nghệ và những công việc liên quan để phân tích, đánh giá, giải quyết hỗ trợ. Đó cũng là việc cần phải làm ngay.
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương cho biết, Chính phủ và UBND tỉnh cũng đã có công văn gửi các đơn vị về việc tăng cường quản lý SV làm thêm trong lĩnh vực vận tải công nghệ và ngày 18/2, ĐH Huế cũng đã có công văn gửi các đơn vị đề nghị tăng cường quản lý SV, vận động SV làm thêm trong lĩnh vực vận tải công nghệ với thời lượng phù hợp.
Đáp ứng nhu cầu làm thêm để có nguồn kinh phí trang trải cuộc sống cho SV, ĐH Huế đã đề nghị các trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ SV lựa chọn các công việc làm thêm phù hợp với ngành nghề đào tạo nhằm góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, khuyến khích SV tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và tạo ra các hoạt động ý nghĩa, rèn kỹ năng cho SV là điều rất cần thiết. Bên cạnh đó, các trường cũng cần phải có hệ thống giám sát để sớm cảnh báo với những SV ham làm mà bỏ bê việc học.
Hiện, nhiều nước trên thế giới đã có quy định làm thêm đối với SV. Điển hình tại Anh hay Canada chỉ cho phép làm thêm tối đa từ 10 – 20 giờ/tuần trong suốt quá trình học. Ở trong nước, tuy đã có nhiều thảo luận, song vẫn chưa có quy định “cứng” đối với giờ làm thêm của SV.
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương cho rằng, thời gian tự học của SV rất quan trọng và việc nghiên cứu, quy định thời gian làm thêm của SV rất cần. Hiệu quả nhất là SV không nên làm thêm quá 3 – 4 giờ/ngày và không phải ngày nào cũng có thể làm thêm.
Bài, ảnh: Hữu Phúc