Trong Di chúc để lại, Bác đã căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đó không chỉ là lời dặn của một bản Di chúc mà thực sự trở thành tài sản tư tưởng quý báu về giáo dục nhân cách cho cán bộ, đảng viên. Đã có nhiều hội thảo khoa học phân tích, mổ xẻ giá trị nội dung  đó, nhưng chung nhất xác định đó là nhân tố cốt lõi, là phẩm chất không thể thiếu của người đảng viên, lãnh đạo của Đảng.

Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (năm 1969) của Bác Hồ đã chỉ rõ: “Phải đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết”.  Cho nên, người đảng viên phải xác định đạo đức là yếu tố gốc, là ngọn nguồn của mọi sự phát triển. Đạo đức được ví như cây có gốc, sông phải có nguồn.“Không có gốc thì cây sẽ chết, không có nguồn thì sông cạn”, người không có đạo đức sẽ không làm được gì có lợi cho dân, cho nước, chưa thể nói đủ uy tín trong hàng ngũ lãnh đạo.

Phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là một bộ phận của phạm trù đạo đức cách mạng, là yếu tố quan trọng của người đảng viên. Người giữ chức vụ càng cao đòi hỏi càng phải giữ cho được đạo đức cốt lõi của bản thân. Trong thực tế, hàng ngày vẫn có một bộ phận cán bộ không chuyên cần, thiếu tiết kiệm, chưa liêm khiết, mất tính liêm chính, đã làm quần chúng than phiền, dư luận lên án. Không ít cán bộ dựa vào cơ quan Nhà nước để trú chân, làm việc riêng, lo cho cá nhân, sinh ra căn bệnh “chân ngoài dài hơn chân trong”. Nhiều nơi khẩu hiệu “tiết kiệm là quốc sách” chưa có trong tiềm thức của nhiều cán bộ. Bệnh phô trương, hình thức, tiếp khách quá mức, chi tiêu quá đà ở nhiều đơn vị, địa phương mà chủ yếu là từ chủ thức lạm quyền của những người có trách nhiệm. Không thiếu những khoản chi qua thanh tra, kiểm toán buộc phải xuất toán chỉ vì “vung tay quá trán” của không ít thủ trưởng. Người ta nói “tiêu tiền chùa” trong chi ngân sách nhà nước là như vậy.

Khi nêu lên đạo đức “liêm,  chính” người ta còn nhắc nhiều đến vụ đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng làm việc tại Vĩnh Phúc trong năm 2019 như một minh chứng về phẩm chất đó bị lột bỏ. Thay vì làm đúng chức năng thì lãnh đạo đoàn thanh tra đã gợi ý khoản “định hướng” để bỏ qua sai phạm (thực ra là gợi ý chung chi). Với những con người đó, chữ “liêm, chính” bị đánh mất lúc nào không hay, càng không dám chắc là họ vi phạm lần đầu. Đó cũng là tiếng chuông tiếp tục cảnh báo về nạn tham nhũng vẫn còn tồn tại dai dẳng trong những người thực thi công vụ  mà Đảng ta đã xử lý rất nghiêm vừa qua. Từ mất liêm, làm việc bất chính đã làm cho người ta chỉ biết tư lợi cá nhân, quên mất lương tâm, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với chức năng, vị trí được giao.

Những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất không những là vi phạm đạo đức công vụ, hạ thấp nhân cách cá nhân mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến thanh danh, uy tín của người đảng viên dưới con mắt của Nhân dân. Trước những cạm bẫy vật chất, tiền tài, danh vọng luôn có sức mê hoặc, quyến rũ ghê gớm đối với con người, một chút thỏa mãn lòng tham tầm thường của cuộc sống có thể biến những cán bộ trải qua bao năm rèn luyện, cống hiến, hy sinh xuống cấp về nhân cách, đạo đức và trở thành những kẻ phạm tội. Cho nên, phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” không những giúp cán bộ, đảng viên giữ được tư cách, hình ảnh trong lòng Nhân dân, mà còn nhân lên, lan tỏa những giá trị văn hóa đạo đức trong xã hội.

Để xây dựng chuẩn hóa đạo đức công vụ, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định nhằm giúp cho mỗi đảng viên chủ động soi và sửa. Phải kể đến đó là: “Những điều đảng viên không được làm”, “Trách nhiệm nêu gương ...”, Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII), “Quy định về đạo đức công vụ”... Cao hơn nữa là Điều lệ Đảng, Quy định về xử lý đảng viên vi phạm và những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh phải xử lý nghiêm bất kể ai, không có ngoại lệ, không có vùng cấm đối với đảng viên, cán bộ lãnh đạo sai phạm.

Mỗi quy định của Đảng có nội dung khác nhau nhưng tập trung chỉ ra cho mỗi người tự giác chấp hành nghiêm túc nhằm tự hoàn thiện và tự giác rèn luyện bản thân. Đó cũng chính là những chuẩn mực cần thiết cho cán bộ, đảng viên khi đã trở những người lãnh đạo trong Đảng, chính quyền các cấp.

 Điều quan trọng nhất là mỗi đảng viên phải nghiêm khắc với bản thân, tự giác thực hiện và làm gương cho mọi người noi theo.  Bài học về sai phạm của đảng viên lãnh đạo bị xử lý kỷ kỷ luật vừa qua là cảnh tỉnh cho những đảng viên chuẩn bị tham gia cấp ủy, giữ chức danh chủ chốt trong Đảng.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH