“Mùa cô vi”, hầu như mọi hoạt động du lịch ngưng trệ.

Ngồi trò chuyện với một doanh nhân trẻ, người Hà Nội vừa mới đầu tư vào Huế là du lịch, chừng hai năm nay. Mảng kinh doanh của anh là khai thác du lịch, dịch vụ trên mặt nước.

Dịch vụ nghe Ca Huế trên thuyền rồng thì đã có từ lâu. Cái này khó có ai cạnh tranh được với chính người bản địa. Bởi vậy nên anh chọn một phân khúc khác (có thể nói là cao cấp hơn) thông qua suất đầu tư và chất lượng dịch vụ. Anh bảo rằng, năm vừa rồi nói chung là ổn. Có chừng 40% là khách nước ngoài, 60% là khách nội địa, khách bắt đầu ổn định...

Trò chuyện tâm tình, tôi bắt đầu chuyển sang hỏi những câu hỏi “rất nông dân”, ví như anh bây giờ ở đâu? Anh bảo: “Trước đây em thuê nhà trọ, bay đi bay về Hà Nội. Năm ngoái em quyết định mua chung cư, chuyển hẳn vợ con vào Huế. Lúc đầu vợ em cũng bay vào bay ra nhưng nay cũng quyết định ở hẳn Huế...”.

Mùa hè năm ngoái tôi có dịp vào Hội An, lưu trú tại một cơ sở du lịch và gặp câu chuyện tương tự như vậy. Cũng một cặp vợ chồng người Hà Nội, họ dồn hết vốn liếng mua lại một cơ sở lưu trú nhỏ gồm 5 phòng ở Hội An, hai phòng để dành cho sinh hoạt gia đình, còn lại họ kinh doanh lưu trú. Anh bảo sống cũng tốt.

Cả hai con người nói trên, tôi tìm hiểu thì thấy có chung một điểm: ban đầu thì họ đi tìm kiếm cơ hội đầu tư làm ăn, nhưng rồi họ yêu cái vùng đất mà mình dừng lại khi nào không biết. Chẳng biết có người nào chọn theo cái cách của hai người nói trên? Song, tôi tin là không hiếm. Họ muốn tìm đến một nơi vừa yên tĩnh hơn, cảnh quan thoáng đạt hơn, ít bon chen hơn, nhịp sống “chậm hơn”, cây cối nhiều hơn... và an ninh hơn. Bỏ một thành phố sôi động để về một Huế chắc hẳn không phải là chuyện dễ dàng. Cuộc sống, có những lúc có những ngã rẽ mà đôi khi chúng ta chưa bao giờ biết được. Đó là tùy sự lựa chọn của mỗi người: người thì thích sôi động, dễ kiếm tiền; người thì thích yên tĩnh, việc kiếm tiền dù có khó hơn; người thì chấp nhận “nhốt mình” trong những khối bê tông với đầy đủ các trang vật dụng tiên tiến, luôn luôn nhộn nhịp của một đời sống sôi động thị thành, người lại thích yên tĩnh, cây xanh quanh mình...

Anh bạn mà tôi kể đầu bài, có lẽ thích Huế, chọn Huế để làm ăn, sinh sống là vì vừa có cơ hội làm ăn (dù chưa hẳn dễ) nhưng cũng vừa... có vùng cây xanh quanh mình.

Trong câu chuyện của chúng tôi, còn có một câu chuyện thú vị khác, ấy là cách quản lý của Huế. Tôi hỏi anh môi trường kinh doanh ở Huế theo anh là thế nào? Anh bảo, có rất nhiều cơ hội, đặc biệt là du lịch. Chính quyền cũng hỗ trợ nhiều trong các thủ tục đầu tư. Nhưng cũng có điều “các bác làm rất thận trọng”. Có những chuyện ở nơi khác “thoáng cái là xong” còn ở Huế thì phải bàn. Một cái màu của chiếc thuyền thôi cũng bàn đi bàn lại rất nhiều lần. Một góc của công trình nhà đầu tư thì muốn nó vuông nhưng nhà quản lý thì muốn nó vòm. Cái lý của nhà quản lý là ở vị trí ấy, nó phải vòm mới phù hợp, mới đẹp. Đúng là vậy. Nhưng nhà đầu tư thì họ quan tâm đến suất đầu tư – nó thẳng thì chi phí thấp hơn, nó vòm thì chi phí cao hơn..., nhưng nói chung rồi đâu cũng vào đấy.

Anh kết luận: mà các bác thận trọng cũng phải, chứ không thì Huế chưa hẳn là Huế được như bây giờ. Một cái cây mọc “vô lề” trên đường Lê Duẩn, các bác cũng tìm mọi cách để giữ lại, có khi ở nơi khác thì... đã khác rồi !

Rồi đây, nếu gắn bó lâu dài anh sẽ là người Huế. Biết đâu thế hệ con anh sẽ nói giọng Huế. Huế là của người Huế. Và Huế cũng là của anh. Trong cuộc họp bàn của Bộ Chính trị để ra Nghị quyết 54, có đại biểu đã nói: “Giữ Huế chẳng những là cho Huế, mà còn cho cả nước” đó sao?

Thôi thì chúng ta ngồi đây chuyện trò đợi dịch COVID -19 đi qua. Và biết đâu, anh sẽ hiếm khi có thời gian rảnh để ngồi “xổ” mọi tâm tình như cuộc trò chuyện hôm nay!

Lê Phương