Tưởng chừng đi giữa thời buổi công nghệ, mọi thứ có thể giao dịch online qua mạng thì vẫn còn những người không hề biết đến công nghệ ấy. Họ là những lao động nghèo, ít học, mưu sinh qua ngày và gần như chưa một lần tiếp cận.

Khi mà diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, chính quyền cấm tụ tập đông người, hàng quán chỉ phục vụ mang đi hoặc bán qua mạng, việc này đang được chấp hành rất tốt. Nhiều cửa hàng vốn từ trước đó đã áp dụng bán hình thức qua mạng, ship hàng thì nay lại phát huy rất tốt vào thời điểm này. Đồng nghĩa với đó, những hãng xe ôm công nghệ chuyên đảm nhận vận chuyển hàng ăn uống cũng làm việc rất cật lực khi nhu cầu của khách hàng tăng cao.

Nhưng không phải ai cũng vậy. Không phải hàng quán nào cũng có thể bắt kịp, kết nối được môi trường kinh doanh trên mạng, và cũng không phải bác xe ôm nào cũng có thể sành sỏi trong việc áp dụng công nghệ để mưu sinh giữa mùa dịch bệnh. Phần nhiều trong số đó là những người lao động nghèo và lớn tuổi, khó tiếp cận được với các phần mềm, ứng dụng bán buôn thông qua điện thoại.

“Bán hàng qua mạng là chi hả con”, một người đàn bà ngoài 60 tuổi, ngồi bên thúng vịt lộn giữa phố đã hỏi như vậy khi nghe tin hạn chế bán buôn nơi công cộng để tránh dịch bệnh. Câu hỏi ấy nghe qua tưởng chừng rất bình thường giữa thời buổi này, nhưng đó là câu hỏi thật lòng, của một người chưa bao giờ từng tiếp cận với mạng xã hội, các ứng dụng buôn bán qua điện thoại thông minh. Rồi bà hỏi tiếp: “Rứa chừ dì đăng ký bán kiểu nớ có được không”. Kiểu nớ là răng dì – tôi hỏi tiếp và bà đáp: “Kiểu qua mạng đó. Có mấy anh lái xe mang áo xanh, đỏ xách theo cái túi và đứng chờ xếp hàng đến lượt lấy đi á”.

Thật khó để trả lời. Bởi người phụ nữ ấy ngay đến cả việc sử dụng một cái điện thoại bình thường còn khó khăn huống hồ gì nói đến chuyện chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh, rồi tải các ứng dụng giao dịch online. Không dừng lại, còn phải kết nối với bên thứ ba, phải đăng ký tài khoản ngân hàng để có thể giao dịch trực tuyến… Đúng là quá sức với một người lao động nghèo, vốn chỉ mưu sinh bằng trăm cái trứng vịt lộn qua ngày.

Tôi giải thích tỉ mỉ với bà từng giai đoạn đến với việc kinh doanh online như trên, nhưng khi đến phần “địa điểm đăng ký kinh doanh” thì bà trố mắt, nói ngay sao rườm rà phức tạp thế. Thúng vịt lộn hôm nay ngồi góc này, mai kia ra ngã khác, cũng tùy mùa để thay đổi địa điểm. Bà nói thôi. Nghỉ một vài bữa chắc cũng chẳng sao. Đúng thế. Nghỉ một vài bữa thì không ảnh hưởng gì. Nhưng với tình hình dịch bệnh kéo dài, chưa biết ngày nào mới kết thúc thì câu chuyện chuyển đổi phương thức bán hàng của những người kinh doanh nhỏ lẻ cũng cần phải tính đến.

Trước kia, người mua hàng online chủ yếu chọn các mặt hàng thời trang, điện máy, sách vở… nhưng vào thời điểm này, bên cạnh những mặt hàng đó, thì mặt hàng ăn uống và những sản phẩm thiết yếu tăng mạnh gấp nhiều lần. Nhưng đa số những cửa hàng lớn, những thương hiệu lâu năm mới nắm bắt, áp dụng được phương thức kinh doanh này, và người mua cũng chỉ biết tìm đến những địa chỉ đã đăng ký, và nằm trong danh sách xuất hiện khi di chuyển theo những cú vuốt màn hình điện thoại thông minh.

Còn với những người buôn bán lớn tuổi, chủ yếu mưu sinh nhỏ lẻ, giữa bối cảnh này thì sao? Thật khó để trả lời khi việc thay đổi phương thức kinh doanh đối với họ vốn đã rất khó khăn, thì nay lại càng không thể. Tất cả chỉ biết cầu mong dịch bệnh sẽ qua nhanh, cuộc sống sinh hoạt trở lại bình thường, việc buôn bán theo kiểu truyền thống đâu lại vào đó với những phận người chưa bắt kịp thời cuộc kinh doanh hiện đại.

NHẬT MINH