Trao quyết định vận tải

Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, qua tổng kết tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh đến Bình Thuận đã phát huy hiệu quả, san sẻ cho giao thông đường bộ, qua đó giảm tai nạn giao thông, giảm xe chở quá tải trọng trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giảm giá cước vận tải. Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải quyết định mở tiếp 2 tuyến vận tải này.

Tuyến Quảng Bình đến Bình Thuận có chiều dài bờ biển 858km, đi qua các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuyến Kiên Giang đến Bình Thuận có chiều dài bờ biển 700km đi qua các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Như vậy, 2 tuyến vận tải ven biển mới này sẽ nối vào tuyến đang hoạt động là Quảng Ninh-Quảng Bình tạo thành tuyến vận tải ven biển thông suốt từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Qua khảo sát của Cục Hàng hải Việt Nam, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên các tuyến vận tải này là rất lớn. Cụ thể, tại khu vực Đà Nẵng các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa như xăng dầu, clinker, phân bón, gỗ, sắt thép… khối lượng trên 400.000 tấn/năm. Các mặt hàng nói trên chủ yếu cần vận chuyển từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa vào Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và chiều ngược lại.

Phát biểu tại lễ công bố, Phó Chủ tịch Lê Trường Lưu đánh giá cao việc hình thành tuyến vận tải ven biển có ý nghĩa hết sức quan trọng, là giải pháp cấp thiết để giảm áp lực cho tuyến đường bộ đang ngày càng quá tải; nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương ven biển, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển. Địa phương cam kết sẽ có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào thị trường vận tải biển thuận lợi và an toàn.

Tin, ảnh: Thanh Thuận