Việt Nam có thế mạnh về sản xuất lúa, xuất khẩu gạo. Ảnh: NGUYỄN PHONG
Cách đây chưa lâu, không ai nghĩ rằng sẽ có một biến cố tác động sâu rộng đến toàn cầu như dịch Corona chủng mới, có sức tàn phá nhiều nền kinh tế và sẽ để lại nhiều di hại lâu dài cho nhiều mặt của đời sống. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam đặt kỳ vọng rất lớn vào tốc độ phát triển kinh tế năm 2020. Ngay như Thừa Thiên Huế cũng đặt kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng vào khoảng 7,5 -8%, mức cao hơn trung bình của cả nước.
Tình hình nêu trên cho thấy, thế giới luôn tiềm ẩn những yếu tố bất trắc khó lường. Ngay những nước phát triển vào bậc nhất, luôn tự tin về sự kiểm soát trong mọi tình huống thì giờ cũng đã có vẻ trở nên thụ động, lúng túng và có phần “bất lực”.
Sinh mệnh của người dân trong nước là cái quan trọng nhất của mọi đời người và của mọi chính phủ, giờ đây, nhiều quốc gia cũng loay hoay và không ít lúng túng. Phải chăng, khi dịch bệnh đi qua, nhiều giá trị cốt lõi của cuộc sống phải cần xem xét lại? Tăng trưởng phải như thế nào và tăng trưởng như thế nào là hợp lý, bền vững…?
Con người mải miết chạy theo tăng trưởng, phát minh, hiện đại… và trong cuộc chạy đua bất tận này, con người cũng đã trả giá không ít. Những công trình, những thành phố hiện đại và không hiện đại dần nhiều thêm cung cấp cho con người nhiều tiện ích nhưng trong quá trình ấy, buộc con người tác động vào tự nhiên một cách mạnh mẽ, làm cho thiên nhiên biến đổi và ẩn chứa thêm nhiều bất trắc.
Việt Nam có thế mạnh về sản xuất lúa, xuất khẩu gạo
Tính chất quốc gia, dân tộc cũng đã tạo ra nhiều xung đột. Giờ không phải quốc gia này xung đột với quốc gia khác về lợi ích, hay gì gì đi nữa mà mọi dân tộc đương đầu chung với một yếu tố nữa – những bất trắc của thiên nhiên. Suy đến cùng, chính con người chúng ta chứ không ai khác, đã tạo ra quá nhiều mâu thuẫn.
Để giảm những xung đột, con người đã tốn không ít thời gian vào việc giải quyết nó, bằng nhiều biện pháp. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thành công như mong đợi.
Lấy một ví dụ nhỏ, nhu cầu nhập khẩu gạo từ Trung Quốc tăng cao trong những ngày vừa qua. Với một đất nước có dân số đông dân nhất thế giới, chỉ cần một biến động nào đó, chẳng hạn như mất mùa, ngay lập tức nhu cầu nhập khẩu gạo tăng lên. Ai là người cung cấp? Chủ yếu là các nước vùng Đông Nam Á.
Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ Việt Nam cũng đã có chỉ thị tạm dừng xuất khẩu gạo. Một chuyên gia nghiên cứu ở lĩnh vực này cho hay, cả vùng Đông Nam Á là “kho gạo” thứ hai ngoài Trung Quốc. Nhìn từ khía cạnh khác, sông Mê Kông chảy qua 6 nước đã bồi đắp nên những vùng châu thổ, tạo ra những vựa lúa lớn. Thế nhưng, những mâu thuẫn trong việc khai thác dòng Mê Kông chưa bao giờ được giải quyết ổn thỏa.
Ai cũng biết, cuộc cách mạng công nghệ đã làm thay đổi sâu sắc thế giới - nó đưa lại nhiều tiện ích cho con người; nhiều giá trị vật chất cũng từ đó mà ra; nó làm cho con người chúng ta cảm thấy thoải mái hơn… nhưng có vẻ như nó cũng làm cho con người ít tiếp xúc với nhau hơn và vì vậy, cảm xúc – một thứ quý giá của đời sống tinh thần cũng ít dần đi?
Khó nói một cách xác đáng là những giá trị cốt lõi mà con người đang theo đuổi là gì? Vì có quá nhiều khác biệt ở mọi quốc gia, dân tộc. Nhưng có những giá trị mà mọi người đều cần đến và luôn luôn tìm kiếm, hướng đến nó, đó là giá trị - chân – thiện – mỹ. Con người với con người của chúng ta ứng xử với nhau sao cho đẹp; quốc gia này ứng xử với quốc gia kia sao cho hài hòa; con người ứng xử với thiên nhiên sao cho tốt…Tất cả những điều này con người luôn luôn đặt ra và có vẻ như… cũng mãi mãi đi tìm!?
LÊ PHƯƠNG