Hơn 130 năm kể từ lúc được Viên Giác Đại sư khai sơn tạo lập, sau nhiều đời truyền thừa, đến đời TT. Thường Chiếu làm trú trì, Ba La Mật như hội đủ duyên lành để trở nên phong quang, rạng rỡ. Khuôn viên chùa được mở rộng, điện thờ, tăng xá… được trùng tu, xây dựng quy mô. Mới đây về thăm, thấy một công trình bên tả phía trước chùa đang trong quá trình hoàn thiện, hỏi, được biết đó là công trình Tàng kinh các.

TT. Thường Chiếu vừa pha trà vừa kể với tôi câu chuyện ít nhiều khiến ông quyết định cho xây Tàng kinh các. Số là, trong một lần đọc lại các tủ sách trong chùa, ông bắt chợt bắt gặp một văn tự cũ, nội dung nói về việc một gia đình phát tâm hiến cúng cho chùa một số diện tích ruộng, đồng thời gửi gắm tâm nguyện nhờ nhà chùa cứ đến ngày ấy, tháng ấy hàng năm làm giúp cho cái kỵ (giỗ) để các hương linh của gia đình họ được cầu nguyện, được thọ hưởng… Văn tự đã quá xưa cũ, chùa cũng trải qua nhiều đời trú trì nên sau này không ai còn nhớ có việc ấy nữa. Đọc văn tự, TT trú trì bần thần đi một chốc. Rồi ông quyết định cho tìm hiểu xem gia đình nọ con cháu có còn ai không. May sao vẫn còn, vậy là ông mời đến, trân trọng trao đổi và cho tổ chức kỵ giỗ như trước đây nhà chùa đã từng giao ước. Làm được việc ấy ông cảm thấy nhẹ lòng; con cháu của gia đình kia cũng hết sức bất ngờ và rưng rưng cảm động. Tàng kinh các như một thư viện, ngoài lưu trữ kinh sách, chùa sẽ cho sưu tập, sắp xếp tất cả những tư liệu gì liên quan đến việc hình thành, phát triển của Ba La Mật. Các thế hệ hậu bối cần gì cứ việc đến đó mà tra cứu, tìm hiểu. Bề dày văn hóa, lịch sử của chùa, của chư Tổ cũng do vậy mà không bị thất tán, mai một, ngược lại còn được bồi đắp, xiển dương và trao truyền...- Nghe TT. Thường Chiếu trải lòng, tôi bỗng thấy cảm phục với tâm huyết và tầm nhìn của bạn mình.

Ngoài là đất kinh đô một thuở, Huế còn được mệnh danh là xứ Thiền kinh. Chưa kể niệm phật đường, tịnh thất, tịnh xá, vùng đất này cũng đã quần tụ đến hơn 300 ngôi chùa lớn nhỏ, trong đó có rất nhiều ngôi cổ tự danh tiếng: Thiên Mụ, Diệu Đế, Từ Đàm, Báo Quốc, Tường Vân, Quốc Ân, Từ Hiếu, Tây Thiên, Thuyền Tôn, Thánh Duyên… Tàng ẩn trong các ngôi cổ tự này là rất nhiều những chất liệu dự phần làm nên bề dày và bản sắc văn hóa của miền Hương Ngự. Chiến tranh, sương khói thời gian, và có thể cả sự vô tâm của con người nữa, đã làm đứt gãy, hư hao, thất tán của chùa tự, của Huế không ít những chất liệu vô cùng quý giá ấy. Cho nên, Tàng kinh các của Ba La Mật là một ý tưởng hay và cực kỳ ý nghĩa trong việc khơi gợi ý thức chung tay gom nhặt, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, không chỉ của riêng chùa Huế mà còn là của cả vùng đất Cố đô.

HIỀN AN