Những mùa cá lưu truyền

Đi dọc các con đường ven biển vùng bãi ngang mùa này không khó bắt gặp từng mớ cá trích nướng được người dân bày bán ven đường. Hình ảnh ấy không lạ, trở thành nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển. Và nó minh chứng một điều, ngư dân nơi “biển cạn” đã khởi đầu một năm đánh bắt thành công. “Ngư dân được mùa cá trích”, điệp khúc ấy lặp lại rất nhiều lần mỗi khi đến tháng 2, tháng 3 âm lịch.

Năm nay, loại cá được xem là “cứu cánh” cho ngư dân mỗi độ ra Giêng đến sớm. Những con thuyền nối đuôi cập bờ, cá trích đóng đặc lưới, ngư dân phải huy động hết các thành viên trong gia đình để gỡ.

“Mùa cá trích bắt đầu từ đầu năm đến khoảng tháng tư âm lịch. Mỗi chuyến đi biển thường bắt đầu từ 4h chiều đến 8h tối (đối với bủa lưới đăng - đánh bắt đêm) hoặc từ 4h đến 9h sáng mỗi ngày. Thời điểm này, luồng cá trích áp sát vào gần bờ nhiều vô kể, chỉ cần cho thuyền ra vùng biển gần bờ giăng lưới là có thể trúng đậm cá trích”, ông Trương Văn Hiền (xã Phong Hải, huyện Phong Điền) hồ hởi.

Cá trích xuất hiện theo luồng cách đất liền chừng 3 hải lý. Bây giờ, con cá này không chỉ mang lại thu nhập trên dưới 5 triệu đồng/thuyền mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi. “Thời gian này, rảnh rỗi nên tui chọn nghề làm lưới và gỡ cá ở bãi. Riêng cá trích đánh về cần rất nhiều người gỡ, nên mỗi ngày chị làm từ 5 -7 tiếng đồng hồ, mỗi tiếng được chủ thuyền trả 30 ngàn đồng”, chị Hoàng Thị Qúy (xã Phong Hải) nói.

Ngư dân Phong Hải trúng đậm cá trích

Với ngư dân vùng bãi ngang, cá trích chỉ là một trong những loại hải sản mang lại thu nhập khá cho họ. Trong “khung lịch” dường như được định sẵn, ngư dân đã truyền nhau qua nhiều thế hệ. Con cá hố xuất hiện tháng tư, cá nục tháng sáu, đến tháng 10 cá khoai lại tới mùa... Đó là chưa kể đến mùa ruốc, mùa cá me, cá cơm.

Ngư dân Trần Văn Thanh (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền) bảo, những năm gần đây, tiết trời không thuận nhưng cứ đến mùa cá, ngư dân lại có thu nhập khá.

“Ông cha đã truyền cho thế hệ sau không chỉ những kỹ nghệ đánh bắt mà còn khung lịch thời vụ từng loại cá. Bởi rứa mà thuyền của ngư dân có thể nằm bờ thời gian dài nhưng đến mùa các loại cá, họ lại đạp nước vươn khơi”, ông Thanh nói, rồi đưa ra ví dụ: “Hết mùa cá trích ít nhất mỗi người có thu nhập vài chục triệu đồng. Đến mùa cá hố, thu nhập còn cao hơn. Cá nục với cá khoai xuất hiện theo luồng, nếu trúng đậm, mỗi thuyền thu về cả mấy chục triệu/chuyến. Ngư dân siêng năng, tận dụng đánh bắt tất cả các mùa cá trong năm họ sẽ có của ăn của để”.

Nương tựa vào biển

Không ít thời điểm, ngư dân thở dài, “hắt” thành tiếng bởi biển mất mùa, con cá “lạc đàn”, nhưng khi gắn chặt với nghiệp ngư, họ không dễ gì buông bỏ.

Biển khó cũng là lúc những ngón nghề cũ của cha ông ngày trước có đất “dụng võ”. Ông Lê Công Luân (xã Quảng Ngạn) nói, tại các vùng bãi ngang, điều kiện địa lý không cho phép ngư dân đầu tư tàu to, cũng không thể trang bị những loại máy móc hiện đại để phân định luồng cá. Họ chỉ đánh bắt dựa theo kinh nghiệm.

Ngư dân xã Điền Hòa tu sửa ngư lưới cụ chuẩn bị cho chuyến đánh bắt mới

“Biển mênh mông, các tàu công suất lớn có thiết bị xác định nơi đàn cá trú ẩn còn ngư dân vùng lộng tụi tui, chỉ xác định bằng mắt thường. Bởi rứa không dễ chi buông lưới thành công, trong trường hợp này, kinh nghiệm của ngư dân rất quan trọng. Ví dụ với con cá trích phải nhìn con nước để hình, lúc mô bủa nổi (cột phao vào lườn lưới để kéo lưới nổi trên mặt nước), lúc mô bủa đàn (tháo phao thả lưới chìm xuống mặt đất)”, ông Luân tiết lộ.

Theo nhiều ngư dân, nghề biển bây giờ dù đánh bắt vùng lộng hay xa bờ cũng phải chịu khó đầu tư. Bên cạnh con tàu, chiếc thuyền, ngư lưới cụ đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành bại.

Cứ đến mùa cá, anh Lê Văn Đăng (thôn 10, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) lại tất tưởi lên tận thành phố để mua ngư lưới cụ. Trong khi nhiều ngư dân cùng địa phương không mặn mà với nghề biển thì anh Đăng vẫn một lòng làm bạn với con sóng.

“Cá hố, thu, ong, cu phải bủa lưới hai (loại cỡ mắt lưới 20mm), cá trích, cá khoai thì bủa lưới dày (loại cỡ mắt lưới nhỏ). Đến mỗi mùa từng loại cá, tui phải tu sửa lại ngư lưới cụ, đồng thời mua mới vài tay lưới để tăng hiệu quả. Mỗi vàng lưới đầu tư mới cũng mất mấy chục triệu đồng, nhưng có thể khai thác qua nhiều mùa cá. Với ai không biết, nhưng riêng tui không thể bỏ biển, bởi biển đã cưu mang bao thế hệ gia đình. Thời điểm này, biển đã cho lộc khi thuyền tui liên tục trúng đậm cá trích, thu về mấy chục triệu đồng”, anh Đăng tâm sự.

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.900 chiếc thuyền đánh bắt vùng lộng. Với nhiều ngư dân, con thuyền là kế mưu sinh chính, họ vẫn hàng ngày nương tựa vào biển, dẫu rằng sản lượng khi nhiều khi ít. “Các mùa cá của ngư dân vùng biển lộng rải đều trong năm. Trừ những lúc “trái gió trở trời”, thuyền của ngư dân luôn đạp sóng vươn khơi. Hiện đang vào mùa cá trích, ngư dân các địa phương như, Phong Hải (Phong Điền), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Phú Diên, Vinh Thanh (Phú Vang)… đang có thu nhập cao”, ông Giang cho hay.

Bài, ảnh: L.Thọ