Mừng và lo

Từ ngày có Nghị định 67, những ngư dân vốn sinh tử với nghề, như Trần Văn Chiến, Nguyễn Thanh Phú, Ngô Đức Tâm, Ngô Đức Cư... ở xã Phú Thuận (Phú Vang) khấp khởi mừng. Từ lâu họ ấp ủ khát vọng có được chiếc tàu đủ lớn để vươn khơi, bám biển làm giàu. Công suất tàu xa bờ của các hộ lâu nay chỉ trên 200CV, giờ đây không còn phù hợp với xu thế đánh bắt ở vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từ ngày có chủ trương, chính sách vay vốn đóng mới, cải hoán tàu thuyền, nhiều ngư dân không rời màn hình ti vi theo dõi những thông tin liên quan đến vay vốn ngân hàng. Mới đây, tại hội nghị triển khai Nghị định 67 do UBND tỉnh tổ chức, nhiều ngư dân huyện Phú Vang, Phú Lộc... đã “không mời mà đến” nghe nghóng, nắm bắt tình hình, cho thấy sự kỳ vọng của ngư dân trước chủ trương này.
Nhiều tàu đánh cá cần cải hoán công suất để vươn khơi, bám biển dài ngày
Ngư dân Nguyễn Thanh Phú nói: “Chiếc tàu 250CV lâu nay dù đánh bắt xa bờ nhưng không thể vươn đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, khai thác các loại hải sản có giá trị... Từ lâu, tôi có ý tưởng và nguyện vọng được đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn trên 500-700CV để có điều kiện vươn khơi, đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa đánh bắt dài ngày, hiệu quả kinh tế cao hơn. Chủ trương, chính sách đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 là cơ hội được đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn”. Đối chiếu các điều kiện quy định vay vốn đóng tàu, hộ ông Phú cơ bản đáp ứng, như kinh nghiệm, hiệu quả đánh bắt, bình quân mỗi năm khoảng 8 chuyến đánh bắt, mỗi chuyến lãi 150 triệu đồng... Ông Phú nói: “Có điều kiện đóng mới tàu công suất lớn, tôi sẽ hiện đại hóa ngư lưới cụ, mua sắm thêm nghề đánh bắt cá ngừ đại dương, cá cờ, thu, chũa...”.
Ngư dân Ngô Đức Cư cho rằng, việc đóng mới mỗi chiếc tàu công suất 400-700CV chi phí từ 3 tỷ đến 6 tỷ đồng, theo quy định người dân được vay tối đa 70% và yêu cầu phải có năng lực về tài chính. Điều đó đồng nghĩa với bà con phải có từ 1-2 tỷ đồng mới được vay vốn để đóng tàu công suất lớn. Trong khi số ngư dân tích lũy vốn 1-2 tỷ đồng hiện nay rất hiếm. Ông Cư kiến nghị: “Chỉ cần có thân tàu xa bờ, máy chính, lưới cụ, sổ đỏ nhà ở được xem có khả năng về tài chính để được vay vốn đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn”. Một trở ngại đối với ngư dân là đến nay các ngân hàng vẫn chưa có hồ sơ mẫu, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Trong khi chỉ đạo của tỉnh là đến cuối tháng 9 phải hoàn thành các thủ tục vay vốn cho ngư dân.
 
Đang được vận hành
Chia sẻ với đông đảo ngư dân tại hội nghị triển khai Nghị định 67 của UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con tiếp cận vốn vay đóng mới, cải hoán tàu xa bờ theo quy định. Các ban ngành, chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng thành lập hội đồng thẩm định hồ sơ, khẩn trương xúc tiến hồ sơ mẫu và hướng dẫn các thủ tục vay vốn, đơn giản, tránh đi lại nhiều lần gây lãng phí công sức và thời gian của ngư dân.
Đối với các địa phương có cơ sở đóng tàu như xã Phú Thuận, thị trấn Thuận An... chính quyền địa phương đang tiến hành cấp đất mở rộng diện tích mặt bằng cho các cơ sở đóng, sửa chữa tàu xa bờ theo quy định của Nghị định 67. Nếu thiếu mặt bằng, cơ sở đóng tàu thì buộc người dân phải đến các tỉnh khác để thuê đóng sẽ mất nhiều thời gian, công sức và chi phí. 
Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, Sở và các ban ngành liên quan đang lập kế hoạch tổ chức triển khai đào tạo thuyền viên tàu cá, vận hành tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, công nghệ bảo quản hải sản... Việc đào tạo nâng cao năng lực đánh bắt, tư vấn thiết kế mẫu tàu miễn phí đang được triển khai đáp ứng nguyện vọng của ngư dân. Chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển dịch vụ hàng hóa từ đất liền ra khơi và ngược lại được quy định cụ thể, phân biệt rõ vùng biển “xa bờ” và vùng “biển xa”. (Vùng “biển xa” được hiểu là vùng biển xa nhất thuộc khu vực Hoàng Sa, Trường Sa và DK1”; và vùng biển “xa bờ” là vùng ngoài tuyến lộng theo quy định của Chính phủ). Từ đó, việc triển khai hỗ trợ sẽ đảm bảo đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của ngư dân vươn khơi bám biển, chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Theo các xã Phú Thuận, Phú Hải, thị trấn Thuận An (Phú Vang), Lộc Trì, Vinh Hiền, Vinh Hải (Phú Lộc)... đến nay có trên 30 hộ, nhóm hộ đăng ký đóng mới trên 30 tàu xa bờ có công suất 400-700CV và hàng chục chủ hộ đăng ký cải hoán tàu công suất lớn. Các địa phương, cơ quan chức năng đang xúc tiến hồ sơ, thẩm định các đối tượng đủ điều kiện vay vốn để triển khai giải ngân cho ngư dân đóng mới, cải hoán tàu.
 
Ông Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang):
Sớm có hồ sơ mẫu để hướng dẫn thủ tục vay vốn cho dân
Hơn tháng nay, trên địa bàn xã có 5 hộ đăng ký đóng mới tàu và hàng chục hộ cải hoán tàu vỏ gỗ xa bờ có công suất 400CV trở lên. UBND xã tiến hành xem xét, thẩm định và lập hồ sơ gửi UBND huyện, các ban ngành cấp trên xem xét giải quyết. Tuy nhiên, chính quyền địa phương, cũng như bà con ngư dân vẫn chưa nhận được phản hồi, hay quy định, hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ đăng ký vay vốn.
UBND xã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc cấp đất mở rộng diện tích mặt bằng các cơ sở đóng tàu; các thủ tục cho ngư dân vay vốn đóng mới, cải hoán tàu vươn khơi, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Cấp trên và ngành ngân hàng sớm có hồ sơ mẫu để địa phương hướng dẫn các thủ tục vay vốn cho dân. Trong khi số tàu công suất lớn nâng lên, các cấp, ban ngành cần kịp thời đầu tư sửa chữa, nâng cấp các âu thuyền, cảng cá, nạo vét luồng lạch... đảm bảo tàu thuyền ra vào, cung cấp dịch vụ và neo đậu tránh trú bão an toàn.
Hoàng Thế (thực hiện)
Ngư dân Trần Văn Chiến ở (xã Phú Thuận - Phú Vang):
Mong sớm được vay vốn
Cách đây một tháng, tôi cùng nhiều ngư dân địa phương đến UBND xã đăng ký làm tục tục vay vốn đóng mới, cải hoán tàu xa bờ với mong muốn sớm được giải ngân. Thế nhưng việc triển khai làm thủ tục còn chậm, đến nay gia đình tôi vẫn chưa được hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục vay vốn ngân hàng... Nếu được vay vốn, tôi sẽ đóng mới tàu công suất 700CV, nâng cấp, đổi mới, đầu tư thêm các trang thiết bị, ngư lưới cụ đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao ở Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời bám biển dài ngày hơn nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Hải Triều (thực hiện)
 Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh:
Đã chuẩn bị đầy đủ vốn để giải ngân
Để đảm bảo tất cả nhu cầu vay vốn theo Nghị định 67 các ngân hàng đã chuẩn bị đầy đủ vốn để giải ngân. Chúng tôi đã lập tổ công tác chuyên trách ở tất cả các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn, từ tỉnh đến TP Huế, các huyện, thị xã... Chúng tôi cũng thiết lập đường dây nóng để người dân có thể phản ánh thông tin, kịp thời xử lý. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cũng yêu cầu tất cả các ngân hàng khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của ngư dân, nếu xét duyệt thấy đầy đủ thủ tục, tức là chấp thuận giải ngân thì phải có thời gian hẹn cụ thể. Nếu từ chối phải có văn bản trả lời nguyên nhân, ngoài gửi cho ngư dân, phải gửi cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh để theo dõi chỉ đạo.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cũng đang đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu ban hành mẫu đăng ký phương án sản xuất kinh doanh cho ngư dân, hay còn gọi là mẫu dự án. Đây là thủ tục quan trọng trong 4 thủ tục cần thiết để giải ngân vốn theo Nghị định 67. Vì với mẫu dự án này, ngư dân phải chứng minh tính khả thi của dự án, ngân hàng cũng theo đó mà theo dõi các hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản, cung cấp cho thị trường... của ngư dân. Khi có mẫu sẵn, ngư dân sẽ đỡ tốn công khai các thông tin, xác nhận... Nhờ thế, thời gian tiếp cận vốn ưu đãi theo Nghị định 67 cũng nhanh hơn.
Tâm Huệ (thực hiện)
Hoàng Triều