Trước nguy cơ đó, Chính phủ đã ban hành gói cứu trợ xã hội hơn 61.000 tỷ đồng. Để gói hỗ trợ này nhanh đến tay người dân, Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp thường trực Chính phủ chiều 5/4 đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai đến “đúng người, đúng đối tượng”. Phải làm sao để người dân có thể nhận hỗ trợ sớm nhất giúp họ vượt qua khó khăn, cùng đồng lòng với chính quyền, Chính phủ chống dịch.

Tại Thừa Thiên Huế, ngoài thống kê sơ bộ có khoảng 1.200 người bán vé số đã được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày/người, các địa phương cũng đang thống kê, rà soát những lao động nghỉ việc, mất việc… do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để lập danh sách hỗ trợ theo gói cứu trợ của Chính phủ, trên tinh thần sớm nhất có thể và không để dân phải chờ đợi lâu như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài sự hỗ trợ từ Nhà nước, đã có những việc làm hay, hành động đẹp của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trên cả nước cùng chung tay giúp đỡ người nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đó là những gói mì có thêm trứng và xúc xích tặng cho các sinh viên xa quê, ở lại trong các ký túc xá trong thời gian cách ly xã hội; là phần cơm trưa đầy đủ chất cho người bán vé số, bác đạp xích lô, xe thồ. Là những chai nước ép hoa quả tiếp thêm sức cho các anh bộ đội, chị em phụ nữ tại các bếp ăn phục vụ người cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh. Là những quả bầu quả bí, chút tiền dành dụm… của những mệ già, người lớn tuổi dù không dư dả nhưng họ vẫn muốn chung sức cùng cả nước chống dịch.

Đã có những ban tiếp nhận sự hỗ trợ của doanh nghiệp, người dân trên cả nước được thành lập để các khoản hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp được minh bạch và sớm đến tay người nhận. Trên địa bàn tỉnh, ngoài UBMTTQ Việt Nam tỉnh, một số đơn vị lực lượng vũ trang cũng thành lập bộ phận tiếp nhận sự hỗ trợ phòng chống COVID-19, để sự hỗ trợ của các mạnh thường quân có thể đến với người nhận nhanh nhất.

Tâm Huệ