Tính đến sáng 7/4, giờ Việt Nam, số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ đã lên tới gần 11.000 người trong khi số ca mắc cũng đã vượt qua con số 367.000 trường hợp. Con số này đang cho thấy cuộc chiến với dịch bệnh tại Mỹ còn rất cam go. Tuy nhiên, tại Tây Ban Nha và Italy, nơi có ca mắc Covid-19 cao thứ 2 và thứ 3 thế giới, công tác khống chế dịch bệnh có nhiều dấu hiệu khả qua khi các con số thống kê cho thấy dịch Covid-19 đã qua đỉnh.

Đến ngày 7/4, Covid-19 ở một số quốc gia có dấu hiệu đạt đỉnh. Ảnh minh họa: KT

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy xác nhận, hôm qua nước này có thêm 3.599 ca mắc Covid-19 và đây là số ca bệnh mới thấp nhất kể từ ngày 17/3.  Cơ quan này cũng ghi nhận thêm 636 ca tử vong do Covid-19 ở Italy, cao hơn so với 525 trường hợp được thống kê trong ngày 5/4. Tính đến sáng nay (giờ Việt Nam), số ca tử vong tại Italia là 16.523 người.

Những con số này cho thấy, các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tâp đông người mà Italia áp dụng từ ngày 9/3 đã có tác dụng khống chế dịch bệnh, nhưng giới chức Italia cảnh báo người dân tiếp tục đề phòng.

Tây Ban Nha có số ca tử vong do Covid-19 cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Italy, song số ca tử vong tại nước này đang có xu hướng giảm dần kể từ khi lên mức đỉnh là 950 ca vào ngày 2/4 vừa qua.  Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo trong 24 giờ qua, số ca tử vong do Covid-19 tại nước này tăng thêm 637 ca. Tính đến sáng nay, Tây Ban Nha ghi nhận 13.341 ca tử vong trong số 136.675 ca mắc. Ngoài ra, số ca hồi phục cũng tăng lên đáng kể.

Phó Chủ tịch Uỷ ban sức khỏe Tây Ban Nha, bà Maria Jose Sierra cho biết: “Hiện Tây Ban Nha đã có hơn 40 nghìn người đã hồi phục sau khi được chữa trị, con số chính xác là 40.437 người. Con số này chiếm 30% tổng số ca mắc Covid 19. Điều đáng mừng là tỉ lệ phần trăm đang tăng lên mỗi ngày”.

Theo Bộ trưởng Giao thông và các vấn đề thành thị Tây Ban Nha Jose Luis Abalos, các số liệu này cho thấy, Tây Ban Nha đang tiến vào giai đoạn mới của trận chiến. Tuy nhiên, theo ông Abalos, giai đoạn mới không có nghĩa là lơi lỏng sự đề phòng. Đây cũng thông điệp được các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới nhiều lần tuyên bố: bất cứ thắng lợi nào cũng có thể đảo chiều nếu mọi người không tuân thủ các quy định phong toả.

Trong khi đó, tại Mỹ, giới chức  cảnh báo, nước này đang bước vào một tuần “thực sự tồi tệ” khi dịch Covid-19 đang lên đỉnh. Tính đến sáng 7/4 (theo giờ Việt Nam), Đại học Johns Hopkins của Mỹ cho biết, nước này có thêm 1.150 ca tử vong trong 24 giờ qua do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên gần 11.000. Như vậy, Mỹ đã có hơn 367.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có trên 30.000 ca mắc mới được ghi nhận trong 24 giờ qua. 

Tuy nhiên, điều đáng khích lệ là tại tâm dịch New York, số ca tử vong đã tăng chậm lại. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo thông báo, có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy rằng, dịch Covid-19 tại bang này có thể đã đạt đỉnh hoặc gần đỉnh. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, hiện giờ vẫn chưa phải là thời gian có thể nới lỏng các lệnh hạn chế về giữ khoảng cách. Nhà lãnh đạo này đã yêu cầu các mức phạt nặng hơn đối với những ai vi phạm.

“Bây giờ không phải là lúc buông lỏng quản lý. Tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm. Chính quyền địa phương buộc phải phạt những người vi phạm. Hiện có bằng chứng cho thấy ngày càng có nhiều người vi phạm các quy định hơn. Vì vậy, chúng tôi sẽ tăng mức phạt tối đa từ 500 USD lên 1.000 USD”, Thống đốc Cuomo nhấn mạnh.

Hiện do số ca mắc Covid-19 trên thế giới vẫn gia tăng nên một số nước tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát. Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 1 tháng đối với một số tỉnh thành tại nước này từ ngày hôm nay. Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát biên giới, trong đó có dọc tuyến biên giới trên bộ, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ nước ngoài.

Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả những người không phải là cư dân của vùng này.

Romania sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày nữa sau khi lệnh tình trạng khẩn cấp hiện nay hết hiệu lực vào tuần tới.

Ngoài ra, nhằm làm giảm bớt tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, nhiều nước trên thế giới đã công bố  các gói kích thích kinh tế như Malaysia công bố gói kích thích kinh tế 2,3 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này.

Nhật Bản thông báo sẽ tung ra gói cứu trợ, trị giá 108.000 tỷ yên (989 tỷ USD), lớn hơn nhiều so với gói cứu trợ, trị giá 56.800 tỷ yên mà Nhật Bản đã đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Cùng ngày, Chính phủ Italy đã thông qua gói thanh khoản trị giá 750 tỷ euro (gần 809 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trước tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19, trong đó huy động 200 tỷ euro để hỗ trợ các doanh nghiệp và 200 tỷ euro để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu./.

Theo VOV