Khu vực cách ly tại ký túc xá của Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang). Ảnh: LT

Cách ly là biện pháp chống bệnh truyền nhiễm đã được nhân loại áp dụng từ thuở xa xưa, ai mắc bệnh dễ lây cho người khác thì phải ăn riêng, nguy hiểm hơn thì phải ở riêng, làng xóm nào có bệnh dịch thì phải cách ly với cộng đồng. “Cách ly y tế” cũng là biện pháp đã được quy định trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, ban hành từ ngày 21/11/2007. Luật này quy định: “Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh”. Những vùng có dịch thì phải kiểm soát bằng cách hạn chế hoặc cấm hẳn việc ra vào. Những biện pháp này đã được chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng của Việt Nam áp dụng ngay từ khi xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên từ ngày 28/1/2020. Cho đến nay, biện pháp cách ly y tế, phong tỏa vùng có dịch, truy tìm các đối tượng nghi nhiễm, đã được Việt Nam thực hiện rất quyết liệt, được cộng đồng y tế thế giới đánh giá là đúng và hiệu quả.

Khi dịch bệnh đã chuyển sang giai đoạn mới với số ca nhiễm bệnh tăng lên nhanh, và xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, thì buộc phải thực hiện biện pháp cách ly trong toàn xã hội. Chỉ thị số 16 của Thủ tướng ban hành, yêu cầu “cách ly toàn xã hội” được các chuyên gia y tế giải thích rõ hơn, đó là biện pháp “giãn cách xã hội”, tức là giãn khoảng cách tiếp xúc giữa các cá nhân, các nhóm người, trong cộng đồng, và áp dụng trong toàn xã hội. Trước khi các chuyên gia giải thích rõ thuật ngữ đó, thì người dân cũng đã tự giác ở nhà, hạn chế ra đường, hàng quán cũng tự giác đóng cửa chuyển sang bán hàng qua mạng... Đơn giản là vì điều đó sẽ mang lại an toàn cho họ. Và dịch bệnh đã có dấu hiệu thuyên giảm trong những ngày qua đã cho thấy hiệu quả của giãn cách xã hội.

Biện pháp này đang được cả thế giới áp dụng. Bộ trưởng Y tế Ý, quốc gia đang có số người tử vong cao nhất thế giới lúc này, khẳng định rằng giãn cách xã hội là vũ khí duy nhất để ngăn COVID-19 lây lan lúc này và kêu gọi người dân tuân thủ. Các chuyên gia y tế Singapore, Hồng Kông và Úc cũng xác định cách tốt nhất để đối phó COVID-19 ngay lúc này là giãn cách xã hội. Thậm chí họ đề nghị nên kéo dài thời gian giãn cách xã hội lâu hơn 15 ngày, 1 tháng, hay 6 tuần, bởi vì: thời gian cách ly lâu hay mau tùy thuộc vào việc sản xuất được vắc xin phòng ngừa và thuốc trị virus SARS-CoV-2. “Vì trong một năm nữa sẽ không có vắc xin và không có thuốc trị virus thật sự hiệu quả, nên cách tốt nhất mà chúng ta có ngay lúc này là giãn cách xã hội và các biện pháp cách ly”, giáo sư John Nicholls (Đại học Hong Kong) đã nhận định như thế.

Giãn cách xã hội khiến cho nền kinh tế thế giới đóng băng, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng chính biện pháp đó mới giúp nền kinh tế mau hồi phục, vì “ai lành bệnh trước thì người đó sẽ ra chợ trước”.

Từ những dẫn chứng và phân tích trên đây của chuyên gia, cho thấy giãn cách xã hội và các biện pháp cách ly khác là cần thiết buộc phải thực hiện, dù rằng điều đó sẽ gây khó khăn cho nhiều người, nhất là người bị cách ly. Biết làm sao được, khi đó là biện pháp chống dịch hiệu quả nhất lúc này, và đang có đến hơn một nửa trong số 7- 8 tỷ dân trên toàn cầu đang phải thực hiện điều đó!

Minh Dân