Thấp hơn rất nhiều, nhưng vẫn có tăng trưởng là nhận định khá lạc quan về Việt Nam, Lào, Campuchia, Mông Cổ và Myanmar của Ngân hàng Thế giới (WB) trong một bản báo cáo nhan đề “Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) trong thời kỳ COVId-19” vừa được công bố. Một dự báo khác đến từ trước đó của bản báo cáo này cho thấy, tăng trưởng ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) - bao gồm các nước Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam và các quốc đảo Thái Bình Dương - có thể chậm lại về mức 2,1% vào năm 2020, so với mức tăng trưởng 5,8% trong năm 2019. Tuy nhiên, ở đây cũng không ngoại trừ một kịch bản dự báo tồi tệ về việc nền kinh tế khu vực EAP có thể về mức âm 0,5%, tạo ra nguy cơ một cuộc khủng hoảng kéo dài.

Cuối tuần qua, thị trường chứng khoán của Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi sau giai đoạn bán tháo kéo dài khi bật lên trên 700 điểm. Mặc dù đã có 18.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, nhưng có vẻ như các doanh nghiệp vẫn nhìn thấy ánh sáng khi kỳ vọng dịch COVID-19 sẽ kết thúc sớm và tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II sẽ khả quan hơn.

Trong một chia sẻ mang tầm quốc gia, dù vẫn tiếp tục chờ đợi nhưng chí ít thì các doanh nghiệp cũng đã có thể tạm thời dựa vào Thông tư 01/2020/TT-NHNN Quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do COVID-19. Một gói hỗ trợ gần 62.000 tỷ đồng, hướng đến 20 triệu đối tượng là người đang gặp khó khăn do những tác động sâu của dịch bệnh đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để sớm được triển khai trong thực tế. Đây cũng là điều mà Thủ tướng Chính phủ đốc thúc các bộ, ngành liên quan phải làm nhanh để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân “vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”.

 Tại Thừa Thiên Huế, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát các nhóm đối tượng dự kiến được hỗ trợ của Chính phủ để nhanh chóng triển thực hiện hỗ trợ khi Chính phủ quyết định; ngoài ra căn cứ vào đặc điểm tình hình, đối tượng mang tính chất đặc thù của tỉnh để đề xuất cơ chế hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt, quan tâm sớm hơn, kịp thời hơn đối với người nghèo, đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách để không ai bị thiếu đói. Việc bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân, cung cấp đủ cơ số hàng hóa thiết yếu… là tinh thần được thể hiện trong Thông cáo báo chí số 42 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Trước mắt, tỉnh cũng đã xác định được việc hỗ trợ mức 50.000 đồng/người/ngày trong vòng một tháng cho khoảng 1.200 người bán vé số vừa bị ngưng việc từ 1/4.

Việc chưa có ca nhiễm là người dân trên địa bàn; 4 bệnh nhân đã lành bệnh tính đến sáng qua 7/4. Huế không còn bệnh nhân COVID-19, số người thuộc diện bị cách ly đang giảm dần... là những tin tốt lành khác bên cạnh thông tin về hàng hóa tại các chợ trên địa bàn và các doanh nghiệp phân phối; các siêu thị vẫn đủ cung cấp nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng.

Nguyễn An Lê