Việt Nam ta nhờ tích cực, chủ động từ đầu nên cho đến sáng 7/4, thời điểm tôi ngồi viết những dòng này số người mắc đang ở con số 245, chưa ghi nhận trường hợp tử vong, mừng hơn nữa là trong số 245 ca bệnh đã có 95 ca đã được chữa lành, 32 ca có xét nghiệm âm tính lần 1 (13%), 30 ca khác đã có xét nghiệm âm tính lần 2 (12%).

Chỉ thị số 16/CT-TTg là tổng hợp những biện pháp mạnh mà Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa ra để ngăn chặn đại dịch COVID-19, trong đó có biện pháp “chẳng đặng đừng” là thực hiện giãn cách toàn xã hội. Tỉnh nào ở tỉnh ấy, huyện nào ở huyện ấy, xã nào ở xã ấy, nhà nào ở nhà ấy, mọi người không ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết. 

“Vắng hơn cả tết” là quang cảnh đường phố trên cả nước được mọi người cảm nhận. Điều đó cho thấy cả cộng đồng đang nêu cao tinh thần trách nhiệm, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chiến thắng đại dịch COVID-19. Ghi nhận tinh thần tự giác và trách nhiệm của người dân, thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trân trọng cảm ơn Nhân dân cả nước, cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng không quên cảnh báo và khẳng định rằng: “Dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro, quyết không được chủ quan, lơi lỏng. Nhưng nếu toàn dân đồng lòng, toàn dân chống dịch thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng”.

Vâng, nếu toàn dân đồng lòng, toàn dân chống dịch thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng. Vậy mà, đáng buồn và đáng phê phán là bên cạnh sự đồng lòng chung tay, đó đây vẫn còn có một số người xem dịp “cách ly” như là một… cơ hội để bù khú ăn chơi. Họ hội quân bia rượu, chọi gà, kéo nhau lên khe suối để “du lịch sinh thái”, thậm chí còn rủ nhau đi karaoke “hát cho nhau nghe”… Sẽ như thế nào nếu chỉ một người trong nhóm là nguồn lây nhiễm?

Phải có chế tài mạnh và đủ sức răn đe, chỉ đạo ấy của người đứng đầu Chính phủ được toàn dân hoan nghênh. Tại Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng đã phê bình gay gắt và yêu cầu xử lý ráo riết, nghiêm khắc tất cả các trường hợp vi phạm. Việc xử phạt, tước giấy phép đối với cơ sở kinh doanh karaoke Hoàng Tử (đường Điện Biên Phủ - Huế) là một răn đe cần thiết. “Chống dịch như chống giặc”, và đây là thời điểm mà giặc đã vào nhà, tất cả phải cùng nhìn về một hướng, cùng một quyết tâm, một ý chí. Mọi mệnh lệnh đều phải được răm rắp thực hiện, không tranh luận, không cự cãi lôi thôi. Tất cả hậu xét! Việc quan trọng, cần kíp trước mắt là đuổi giặc cái đã. Bởi đó là tương lai, là sức khỏe, là tính mạng của chính anh, chính tôi, của người thân và của cả cộng đồng. Nên cho dù nghe có vẻ hơi “quân phiệt” chút xíu, nhưng trong cảnh nước sôi lửa bỏng thế này, tôi vẫn thích cái lý lẽ gọn gàng, dứt khoát như thế.

Hiền An