Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu rà soát, kiểm tra nghiêm ngặt để loại trừ nguồn lây từ bên ngoài khi trên địa bàn tỉnh hiện đã không còn trường hợp dương tính với COVID-19

Khóa chặt nguy cơ từ bên ngoài

Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo và các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thảo luận, phân tích về các yếu tố lây nhiễm, nguồn lây, khóa chặt nguy cơ lây bệnh xâm nhập từ bên ngoài; giám sát dịch tễ của công dân tại khu cách ly; giám sát chặt người từ địa phương khác đến; lập kế hoạch sẵn sàng xây dựng bệnh viện dã chiến; giải pháp cho người hoàn thành cách ly trở về địa phương; kiểm soát người dân nhập khẩu trái phép ở tuyến biên giới, các đường tiểu ngạch…   

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, mặc dầu trên địa bàn tỉnh hiện không còn ca dương tính với COVID-19, tuy nhiên diễn biến vẫn còn hết sức phức tạp, dịch bệnh có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được, phải tập trung cao độ nhằm khóa chặt nguy cơ lây bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Các cấp, các ngành cần bám sát diễn biến tình hình dịch, chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, sẵn sàng ứng phó; tăng cường năng lực và đẩy nhanh việc xét nghiệm, nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ cao. Tiếp tục đẩy mạnh công tác này, tập trung thông tin, hướng dẫn người dân tích cực thực hiện cách ly toàn xã hội, thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình; đồng thời tiếp tục phản ánh công khai, đầy đủ bức tranh toàn cảnh về phòng, chống dịch của tỉnh.

Các cơ sở cách ly tập trung cần giám sát chặt chẽ số người cách ly, tuyệt đối không để người cách ly sinh hoạt chung, hạn chế đi lại. Số người cách ly trước khi về phải có thông báo lộ trình cho các địa phương, gia đình chủ động phương án đón về. Đối tượng này khi trở về địa phương tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ y tế thêm 14 ngày.

Cùng với quyết liệt phòng, chống dịch, các sở, ngành, địa phương cần tích cực chuẩn bị các phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; kịp thời chăm lo bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là người nghèo, người khó khăn do dịch bệnh. Đồng thời, tập trung khai thác tối đa các cơ hội trong bối cảnh phòng, chống dịch, tích cực thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ, sản xuất kinh doanh duy trì ở mức độ phù hợp.

Sẵn sàng thiết lập bệnh viện dã chiến

Sẵn sàng thêm các điều kiện thành lập bệnh viện dã chiến khi cần thiết

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, mức độ dự phòng và kịch bản cho phòng chống COVID-19 được Ban Chỉ đạo Trung ương nâng lên cao hơn, Chính phủ quyết định thành lập 2 bệnh viện dã chiến tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và sẵn sàng phát triển thêm các bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng và Huế. Riêng tại Huế, ngoài bệnh viện dã chiến 500- 800 giường, tại Thừa Thiên Huế sẽ sẵn sàng thiết lập thêm các bệnh viện dã chiến tuyến huyện đáp ứng thêm 500 giường bệnh sẵn sàng khi có yêu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với đơn vị liên quan rà soát lại Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về xây dựng, thiết lập bệnh viện dã chiến, trong đó có thể trên nền tảng một số cơ sở có sẵn để thiết lập bệnh viện dã chiến. Xây dựng, hoàn chỉnh phương án bệnh viện dã chiến. Ngoài quy mô về giường bệnh cần chú trọng khung chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần và hành chính.

Tiếp tục siết chặt việc người dân, người nhà bệnh nhân ra vào bệnh viện; nghiêm cấm việc ra vào thăm bệnh tại các khoa, phòng nhằm tránh sự lây lan và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, nhân viên y tế. Mỗi ngày Chủ tịch cấp xã, cấp huyện phải nắm được số lượng người bên ngoài vào địa bàn, ở lại bao nhiêu ngày. Kiên quyết hơn nữa trong xử lý vi phạm việc chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng nhằm đưa vào kỹ cương, kỹ luật và quan trọng hơn là phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập.

Tin, ảnh: Thái Bình