Đường Lê Quý Đôn - một trong những tuyến đường được chỉnh trang từ nguồn vốn kết dư của DA Cải thiện môi trường nước đã hoàn thành các hạng mục thi công và đưa vào sử dụng. Ảnh: Đình Thắng

Hoàn thiện hạ tầng, bổ sung cây xanh

Tuyến đường Lê Quý Đôn có chiều dài hơn 600m, bắt đầu từ nút giao thông ngã 6 đến đường Bà Triệu đã hoàn thành các hạng mục chỉnh trang. Theo đó, mặt đường Lê Quý Đôn được thảm bê tông nhựa dày bình quân 5cm sau khi đã bù vênh toàn tuyến. Hiện, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Giám đốc điều hành Viwaseen Nguyễn Trung Toàn cho biết, sau khi hoàn thành các hạng mục chính trong hợp đồng của DACTMTN, đơn vị tiếp tục thi công các DA chỉnh trang đường Lê Quý Đôn, Lê Lợi, Bến Nghé, Nguyễn Tri Phương, Lý Thường Kiệt. Các hạng mục bao gồm thảm nhựa mặt đường, lát đá vỉa hè và bổ sung cây xanh dọc các tuyến đường.

Theo ông Toàn, với thời tiết thuận lợi, các hạng mục chỉnh trang khá đơn giản và nguồn nhân công dồi dào nên tất cả các DA chỉnh trang đợt này sẽ hoàn thành đúng kế hoạch, đồng thời đảm bảo chất lượng công trình theo hợp đồng ký kết.

DA chỉnh trang đường Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu, Hai Bà Trưng… sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 4/2020. Trong đó, riêng đường Lê Lợi sẽ tập trung các hạng mục chỉnh trang như thảm nhựa mặt đường toàn tuyến, lát đá vỉa hè, trồng cây xanh với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng với mục đích xây dựng tuyến đường Lê Lợi trở thành tuyến đường kiểu mẫu để phát triển du lịch, cùng với các hạng mục chỉnh trang khu vực hai bờ sông Hương của TP. Huế.

Tuyến đường Lê Lợi sắp được chỉnh trang từ nguồn vốn kết dư của DA Cải thiện môi trường nước với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng

Theo Ban Quản lý DACTMTN, trước khi triển khai chỉnh trang các tuyến đường, Ban đã gửi thông báo cho các đơn vị thi công hệ thống cấp nước, cáp viễn thông, điện lực… và yêu cầu các đơn vị không thực hiện việc cắt đường, đào vỉa hè nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị tại các tuyến đường sau khi đã chỉnh trang.

Hoàn thành trước 31/12/2020

DACTMTN TP. Huế có tổng mức đầu tư 24.008 triệu Yên Nhật (trên 5.000 tỷ đồng), trong đó vốn vay từ JICA 20.883 triệu Yên và vốn đối ứng 3.125 triệu Yên, hiệu lực của hiệp định vay từ ngày 28/7/2018 và thời gian kết thúc DA theo Hiệp định vay trước 31/12/2020.

Đến thời điểm này, đa số các gói thầu thi công đã cơ bản hoàn thành và phát huy hiệu quả, đầu tháng 12/2019 chính thức đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải với lưu lượng nước thải về nhà máy từ 15.000 - 17.000m3/ngày đêm, góp phần khắc phục tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường tại khu vực phía Nam TP. Huế.

Qua quá trình khảo sát hệ thống đường giao thông tại khu vực phía Nam TP. Huế, đặc biệt là các tuyến đường trung tâm thành phố, các tuyến đường trước đây có triển khai các hạng mục thi công của DA, Ban Quản lý DA đề xuất sử dụng nguồn kết dư từ các hợp đồng xây dựng để cải tạo nâng cấp một số tuyến đường trung tâm như Lê Quý Đôn, Lê Lợi, Hà Nội, Phan Đình Phùng, Bà Triệu, Trường Chinh…; cải tạo, chỉnh trang vỉa hè, lắp đặt bó vỉa bằng vật liệu đá, lát vỉa hè bằng vật liệu đá kết hợp gạch terazo tại các tuyến đường Phan Chu Trinh, Hàn Mặc Tử, Đào Tấn, Đặng Huy Trứ…; xây dựng bờ kè chống xói lở ở hói Vạn Vạn.

Giám đốc Ban Quản lý DACTMTN Nguyễn Thanh Tuấn Anh thông tin, với tổng kinh phí 170 tỷ đồng từ các phụ lục hợp đồng của DA, đơn vị đang tiếp tục thực hiện công tác giám sát quá trình thi công và kiểm tra, nghiệm thu đối với các DA chỉnh trang, bao gồm 39 tuyến đường và kè hói Vạn Vạn.

Ông Tuấn Anh cho biết, với đặc thù của các hạng mục này là sử dụng 100% vật liệu địa phương, không đòi hỏi công nghệ cao, sử dụng nhân lực lao động thông thường, tại chỗ nên rất chủ động trong tiến độ thực hiện. Phương án sử dụng vốn kết dư để chỉnh trang đô thị Huế khu vực bờ Nam sông Hương cũng là mục tiêu của DA nhằm góp phần tạo bộ mặt cho đô thị trung tâm, đồng thời hoàn thiện các tuyến đường trước đây DA thi công để trả lại mặt bằng xanh, sạch, đẹp cho người dân TP và phấn đấu hoàn thành trước tháng 12/2020.

Ngoài vốn kết dư từ các hợp đồng, hiện Ban Quản lý DACTMTN đang hoàn tất các hồ sơ, thủ tục liên quan trình Bộ Tài chính phê duyệt vốn kết dư của DA với khoảng 1.000 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện các công trình chỉnh trang đô thị Huế.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG