Đo thân nhiệt phòng tránh COVID 19 tại doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Phao cứu sinh

Chị Nguyễn Thị Phượng có 8 năm làm việc tại một doanh nghiệp trong ngành du lịch với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng. Từ đầu tháng 3, tác động của dịch bệnh COVID - 19, lượng khách du lịch giảm sút, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự và chị Phượng đành chịu cảnh thất nghiệp. Chưa tìm được công việc mới, chị Phượng vội đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm hồ sơ hưởng chế độ BHTN. “Khoản trợ cấp thất nghiệp trên 4 triệu đồng/tháng giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này”, chị Phượng chia sẻ. Với bối cảnh dịch bệnh phức tại và kéo dài như hiện nay, chị Phượng chắc chắn phải chờ thêm một thời gian nữa mới có thể tìm kiếm công việc đúng ngành nghề của mình.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có 2.520 doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19, nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án tạm ngưng hợp đồng lao động, thậm chí chấm dứt hợp đồng với người lao động. Không ít lao động hoang mang, bởi bên cạnh lo nhiễm bệnh, nhiều người còn mất việc, đồng nghĩa mất nguồn thu nhập nuôi sống gia đình. Chị Phượng là một trong số đó và cũng như nhiều người, chị đã dựa vào BHTN, xem đó là “phao cứu sinh” cho gia đình trong thời điểm này. 

Có một thực tế đáng nói nữa là, tỉnh Thừa Thiên Huế có 700 giáo viên hợp đồng và 1.300 nhân viên cấp dưỡng không được trả lương khi học sinh nghỉ học do dịch COVID - 19. Bình quân mỗi tháng, họ nhận mức lương từ 2, 5 đến 3 triệu đồng/người. Học sinh nghỉ học dài ngày, nhà trường không thể chi trả lương cho nhân viên đang tạm thời nghỉ việc. Trong lúc này, chốt sổ BHXH cho nhân viên hợp đồng làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp cũng là giải pháp nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Theo BHXH tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động nộp hồ sơ hưởng BHTN tăng cao trong thời gian qua. Riêng từ tháng 2 đến nay, nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên đã cắt giảm lao động. Trong khi chờ tìm công việc mới, người lao động đến làm hồ sơ hưởng chế độ BHTN. Diễn biến còn phức tạp và khó lường của dịch COVID-19, số người lao động đến làm  hồ sơ hưởng chế độ BHTN sẽ còn gia tăng trong quý III/2020.

Tạo mọi điều kiện

Theo ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong quý I vừa qua, toàn tỉnh có 1.162  lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 30% so với cùng kỳ năm trước). Số lượng lao động nghỉ việc do đơn vị giải thể, thay đổi cơ cấu tổ chức, thu hẹp sản xuất. Riêng lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID - 19 tập trung vào lao động hợp đồng ở các ngành giáo dục, nhân viên cấp dưỡng, nhân viên bán hàng… Số lao động có độ tuổi dưới 35 tuổi chiếm 62,8%. Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp rơi vào nhóm có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 47,9%, đại học và trên đại học chiếm 21,5%.

Từ thực tế khó khăn do dịch bệnh COVID - 19 gây ra, ông Nguyễn Văn Giàu, chủ doanh nghiệp Thuận Phát (TP. Huế), chia sẻ: Doanh nghiệp có 20 lao động sản xuất các mặt hàng da giày. Được biết, chính sách hỗ trợ cho chủ doanh nghiệp kinh phí đào tạo để nâng cao tay nghề, duy trì việc làm cho người lao động khi buộc phải thay đổi cơ cấu sản xuất khiến chúng tôi rất mừng. Sự hỗ trợ này là rất cần thiết khi một số vị trí công việc sẽ thay đổi để phù hợp hơn với tình hình mới.

Đôi điều suy nghĩ

Tình trạng mất việc làm, thiếu việc làm đang là áp lực lớn đối với người lao động. Trong điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chính sách BHTN cho người lao động ra đời thực hiện các chức năng hỗ trợ một số lợi ích cho người lao động khi bị mất việc. Thời điểm chính sách BHTN mới được ban hành, nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh chưa mặn mà tham gia.

Theo quy định của Luật Việc làm, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, lao động thất nghiệp sẽ được hưởng các chế độ gồm: TCTN hàng tháng khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hưởng TCTN hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc (có khống chế mức hưởng tối đa), thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian tham gia BHTN, nhưng tối đa không quá 12 tháng; được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.

Hy vọng, qua dịch bệnh COVID - 19, sau khi nhận thấy được lợi ích thiết thực và cụ thể, các doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động có cái nhìn tích cực hơn trong việc tham gia BHTN.

Bài, ảnh:  Huế Thu