EU nhất trí cung cấp gói hỗ trợ 500 tỷ Euro để kích thích kinh tế khu vực. Ảnh minh họa: Pixabay/Vnexpress

“Thỏa thuận được thiết lập giữa các bộ trưởng tài chính châu Âu thật tuyệt vời”, tờ Dw dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định.

Được biết, cùng với các bộ trưởng tài chính EU, các đại diện của Pháp và Đức cũng đã nghiên cứu giải pháp giải quyết hậu quả kinh tế của dịch COVID-19 gây ra.

Trong một ý kiến khác, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cũng hoan nghênh rằng quyết định được đưa ra vào thời điểm “ngày đoàn kết nhất của châu Âu”.

Theo vị lãnh đạo, kế hoạch chung của khối Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp 3 câu trả lời cho cuộc khủng hoảng, bao gồm cung cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, cùng với đó là những chương trình làm việc ngắn hạn dành cho lực lượng lao động và cung cấp khoản vay cho các quốc gia bị ảnh hưởng thông qua Cơ chế Bình ổn châu Âu.

Về phía Tây Ban Nha, đại diện của nước này là Bộ trưởng Tài chính Nadia Calvino cũng khẳng định khu vực đã đạt được “một thỏa thuận tốt” và điều này sẽ cung cấp “một mạng lưới an ninh gấp 3 lần cho lao động, doanh nghiệp và cả các quốc gia”.

Trong một diễn biến khác, cập nhật tình hình COVID-19 trên thế giới, hiện có hơn 1 triệu 600 nghìn ca nhiễm, số người tử vong là 95.630 người, trong đó có 355.671 trường hợp phục hồi. Ba quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới vẫn là Mỹ, Tây Ban Nha và Italy.

Với tình hình dịch vẫn đang hoành hành trên toàn hành tinh, Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva tuyên bố rằng đại dịch đã gây ra cho thế giới một cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn toàn khác biệt so với những gì đã xảy ra trong thập kỷ qua. Điều này cần một phản ứng đối phó lớn mạnh để đảm bảo phục hồi. Với những cảnh báo về thiệt hại to lớn gây nên do dịch COVID-19, bà Kristalina Georgieva cũng cảnh báo rằng thế giới nên chuẩn bị cho “sự sụp đổ kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái”.

Đan Lê (Lược dịch từ Dw, Worldmeters & CNA)