Đô thị Huế
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS. Trần Thị Hồng Minh, trong quá trình xây dựng đề án cần đảm bảo các yếu tố: Thừa Thiên Huế là đô thị loại 1 cần cơ chế chính sách đặc thù; cơ chế đặc thù cho thành phố trực thuộc Trung ương là gì; mở rộng phạm vi địa giới hành chính đô thị; cơ chế nào cho đô thị Phong Điền và Chân Mây - Lăng Cô; mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc trung ương, không tổ chức các quận nội thành; cơ chế đặc thù để Thừa Thiên Huế phát triển bền vững…
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đánh giá cao về những chỉ số nổi bật như chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin; chất lượng dân số cao và tỉ lệ hộ nghèo thấp; di sản văn hóa, di tích lịch sử thu hút lượng lớn khách du lịch… Đồng thời, đưa ra những đề xuất, kiến nghị để Thừa Thiên Huế tranh thủ, tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để sớm hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2030 Thừa Thiên Huế là một trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành đa lĩnh vực, chất lượng cao”.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao việc hỗ trợ nghiên cứu xây dựng đề án của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - đơn vị tư vấn xây dựng đề án. Khẳng định Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù với Thừa Thiên Huế” là vô cùng bức thiết, tạo đột phá trong xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế, đẩy mạnh thu hút nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa của Việt Nam và thế giới.
Trong đó, chú trọng xây dựng và phát triển đô thị Huế có hệ thống di sản quốc gia và nhân loại, tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều hành, quản lý đô thị; huy động nguồn lực phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thừa Thiên Huế để hướng tới phát triển một đô thị có đặc thù về di sản trường tồn, bền vững cho thế hệ tương lai của Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong quá trình xây dựng đề án cần nêu bật cơ sở pháp lý để xây dựng phát triển Thừa Thiên Huế tương lai. Hình dung được đô thị Thừa Thiên Huế tương lai hoạt động như thế nào để nghiên cứu các cơ chế đặc thù. Trên cơ sở những ý kiến thảo luận, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cần tiếp thu, nghiên cứu cách thức trình đề án mang cơ sở pháp lý cao cho Chính phủ, cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tin, ảnh: Thái Bình