Còn nhớ cách đây chưa lâu, nhiều thành phố lớn trong cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, dân tình kêu trời van đất vì nạn ô nhiễm không khí. Thời điểm ấy, tôi cùng mấy anh em trong cơ quan có chuyến công tác phía Bắc. Từ trên đường cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ nhìn về Hà Nội, thấy cả thành phố như được bao bọc bởi sương mù. Ai cũng âu lo khi nghĩ mình sẽ phải có mấy ngày sống chung với bầu không khí đáng ngại ấy, và chợt nhớ, chợt thèm cái không khí yên tĩnh, trong lành của Huế Cố đô. Dạo ấy, hầu như hôm nào cũng thấy truyền hình thông báo tình hình không khí, như kiểu dự báo thời tiết lâu nay, và rất hiếm ngày nghe được những chỉ số trong lành cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Nay, sau hơn 1 tuần thực hiện giãn cách, các chỉ số đo đạc cho thấy chất lượng không khí (AQI) của cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều được cải thiện một cách ngoạn mục, thậm chí tại Hà Nội, đã ghi nhận chỉ số AQI trung bình = 47 - tốt cho sức khỏe con người. Các thành phố lớn đang trong những ngày không khí trong lành nhất trong khoảng 1 năm trở lại đây, giới chuyên môn đã nhận định với báo chí như vậy.

Đó là trong nước, còn trên bình diện của hành tinh chúng ta, giới truyền thông cũng đang rất hứng khởi với hiện tượng lần đầu tiên trong suốt 30 năm qua nhiều khu vực ở Ấn Độ có thể quan sát được dãy Himalaya. Ấn Độ là quốc gia đang trong thời gian phong tỏa 21 ngày để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Đất nước này thường vượt giới hạn an toàn về chất lượng không khí khoảng 5 lần  so với mức ấn định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Truyền thông nước này đưa tin trong khoảng thời gian từ 16-27/3, sau 10 ngày phong tỏa, chất lượng không khí được cải thiện trung bình 30%.

Thế mới thấy, hoạt động của con người đã gây thương tổn đến hành tinh sống của chúng ta như thế nào. Đại dịch COVID-19 có thể là một lời cảnh báo của Mẹ thiên nhiên với đàn con “tham lam, ngổ ngáo” của mình. Phải điều chỉnh ý thức, điều chỉnh hành vi, phải có trách nhiệm thực sự với hành tinh xanh nếu muốn còn có nơi nương náu. COVID-19, kể từ khi bùng phát đến nay là hơn 100 ngày, cướp đi sinh mạng của 88.400 người trên toàn thế giới (số liệu đến ngày 9/4). Trong lúc đó, chỉ riêng Ấn Độ, theo WHO ước tính, khoảng 1,5 triệu người tử vong do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí trong năm 2012. So sánh đó có làm cho nhân loại giật mình?

HUY KHÁNH