Đường vào cổng chính bãi tập kết của ông Trương Văn Hòa ở Quảng Phú - Quảng Điền

Mối liên hệ giữa "sa tặc" và bãi tập kết

Sau nhiều đêm theo dõi, hình ảnh ghi nhận được cho thấy số cát sau khi khai thác trái phép trên sông Bồ chủ yếu được “sa tặc” vận chuyển đến bãi tập kết của ông Trương Văn Hòa ở xã Quảng Phú và bãi tập kết của ông Lê Dương ở xã Quảng Thọ. Đây là 2 bãi tập kết lớn nhất trong 5 bãi thuộc quy hoạch của UBND tỉnh trên địa bàn huyện Quảng Điền, như lời của ông Hoàng Tuấn Nam, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện.


Sau khi "no" cát, những con thuyền vội vã di chuyển đến bãi tập kết của ông Trương Văn Hòa ở xã Quảng Phú

Sau khi UBND tỉnh đóng cửa tất cả các mỏ cát trên địa bàn; đồng thời, dừng cấp giấy phép khai thác cát sỏi, trừ số cát tồn kho, thì hiện nay, theo ông Hoàng Tuấn Nam, số cát ở các bãi tập kết được cấp phép trên địa bàn huyện chủ yếu nhập từ Quảng Trị.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Văn Cường, Trưởng công an huyện Quảng Điền, ngoài số cát nhập về từ Quảng Trị, một số bãi tập kết trên địa bàn còn mua cát do “sa tặc” khai thác trái phép trên sông Bồ và sông Hương. “Vẫn biết một số bãi tập kết vẫn mua cát từ các đối tượng khai thác trái phép, nhưng khó ở chỗ không nắm được thời gian, địa điểm thu mua để tiến hành xử lý”, Thượng tá Nguyễn Văn Cường nói.

Ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, có hiện tượng chở cát khai thác trái phép bằng đường sông tới bán cho các bãi tập kết trên địa bàn huyện. “Rạng sáng 3/4, lực lượng liên ngành huyện đã bắt quả tang ông Minh (Lý Thái Tổ, TP. Huế) đang bán cát khai thác trái phép cho bãi tập kết của ông Lê Dương (Quảng Thọ)”, ông Hải thông tin.

Clip mối liên hệ giữa "sa tặc" và bãi tập kết

“Qua kiểm tra, có bãi thừa nhận, ngoài cát nhập từ Quảng Trị họ còn mua cát từ những đối tượng khai thác trái phép trên sông Bồ. Hiện, chúng tôi đã lập biên bản và hướng dẫn các chủ bãi cam kết mua cát sỏi có nguồn gốc xuất xứ. Nếu phát hiện bãi tập kết nào vi phạm, huyện sẽ đề xuất tỉnh rút giấy phép”, ông Hải nói.

Nguy cơ hiển hiện

Như đã đề cập, nạn khai thác cát trái phép khiến tình trạng sạt lở hai bên sông Bồ tái diễn và đang trở nên nghiêm trọng.

“Trước đây, cũng do khai thác cát trái phép nên sông Bồ, đoạn ngang qua địa phận Quảng Điền, có nhiều điểm rất sâu, có lần chúng tôi thuê thợ lặn xem xét nhưng không thể lặn tới. Ngoài ra, để ngăn chặn sạt lở tiếp tục diễn ra, chính quyền đã phải làm một đoạn kè ở thôn Hạ Lang (xã Quảng Phú) với kinh phí lên đến 13 tỷ đồng”, ông Trương Duy Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết.

Một đoạn bờ sông bị xói lở khiến người dân phải chặt tre thả xuống ngăn "sa tặc" vươn vòi

Nạn khai thác cát sỏi trái phép nói chung, trên sông Bồ nói riêng gây nên hậu quả nghiêm trọng là chuyện không mới. Đáng tiếc, vấn nạn này đang tiếp diễn, mà nói như Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền - Trương Duy Hải, thì “nguy cơ Quảng Điền mất nguyên tuyến đường ven sông Bồ” rất dễ xảy ra. “Trước mắt, huyện tiếp tục chỉ đạo các lực lượng liên quan ra quân, xử lý nghiêm những người vi phạm, nếu cần thiết, sẽ đề nghị truy tố theo quy định”, ông Hải nói.


Tại buổi làm việc,  Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền - Trương Duy Hải (áo trắng) lo ngại trước nguy cơ Quảng Điền mất nguyên tuyến đường ven sông Bồ

Nhiều năm qua, để ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép trên sông Bồ, các địa phương đã thành lập đội liên ngành để kiểm tra, đẩy đuổi “sa tặc”. Tuy nhiên, hiệu quả của lực lượng này cũng như sự phối hợp giữa các địa phương trong xử lý tình huống “hút trộm ở địa phận Quảng Điền, khi bị lực lượng chức năng Quảng Điền phát hiện thì quay thuyền sang địa phận Hương Trà hay Phong Điền trốn” chưa như mong muốn.

Không chỉ vậy, theo ông Trần Viết Xuân, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Xuân (TX. Hương Trà), ngoài sự phối hợp của chính quyền địa phương, sự vào cuộc quyết liệt hơn của lực lượng cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông trong tuần tra, xử lý vi phạm là một trong những mấu chốt để ngăn chặn “sa tặc”.

Ngoài những động thái trên, để giải quyết dứt điểm vấn nạn khai thác cát sỏi trái phép, điều kiện tiên quyết là chuyển đổi công việc cho những đối tượng này. Có như vậy, sông Bồ mới có thể “hồi phục” sau thời gian dài oằn mình với những vết thương do “sa tặc” gây nên.

Bài, ảnh: VÕ NHÂN