59,2% là mức giảm của dịch vụ lưu trú và ăn uống trong tháng 3, trong một diễn biến liên quan. Đương nhiên là cũng không thể có một biểu đồ tăng tiến ở lĩnh vực xuất nhập khẩu nói chung khi các thị trường chủ yếu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Australia…gần như tạm ngưng, tệ hơn là đóng cửa, hoặc chỉ cho lưu thông ở mức tối thiểu như một biện pháp thắt chặt an ninh, kiểm soát dịch bệnh.

Với những tác động dày và đậm đặc của COVID-19 trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 3 của Thừa Thiên Huế cũng chỉ vào khoảng hơn 50 triệu USD, giảm hơn 32% so với cùng kỳ. Nằm trong lĩnh vực này, xơ, sợi dệt các loại giảm 48%; hàng may mặc giảm gần 35%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm sâu đến 44%. Cũng do tác động của thị trường, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng ba vừa qua là 32 triệu USD, giảm đến 28,49%. Có lẽ chỉ có nguyên phụ liệu may mặc còn trụ được khi chiếm đến 68% tổng kim ngạch nhập khẩu – dù vẫn giảm nhưng ở mức độ ít hơn là 10,5%.

Không ai có thể nói về sự tăng trưởng ở thời điểm này. Có chăng chỉ thấy Amazon - trang thương mại điện tử trực tuyến lớn nhất thế giới tuyển thêm 100.000 nhân viên nhà kho và vận chuyển tại Mỹ trong bối cảnh người tiêu dùng đã chuyển sang mua sắm trực tuyến, thay vì đến các cửa hàng, trung tâm thương mại… để hạn chế lây lan dịch bệnh (nguồn báo Đầu tư). COVID-19 đẩy các doanh nghiệp trên thế giới vào khủng hoảng và hàng không, du lịch, dịch vụ là những lĩnh vực đang phải chịu tác động dữ dội nhất.

Việt Nam đương nhiên cũng nằm trong tác động này. Ngay khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể chạm mốc 30% trong quý 2 theo dự đoán của James Bullard - Chủ tịch chi nhánh St Louis của Cục dự trữ liên bang Mỹ, thì theo Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) qua khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của COVID-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu COVID-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản, do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng...

157 doanh nghiệp thành lập mới; 69 doanh nghiệp hoạt động trở lại nhưng có 168 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và 21 doanh nghiệp giải thể là một tương quan khác trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Điều này cũng đã cơ bản phản ảnh tình hình sản xuất, kinh doanh và du lịch, dịch vụ; cũng như những tác động kép khác đã và đang chi phối phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đây cũng là quãng thời gian làm chững lại nhiều mục tiêu mà tỉnh đã sẵn sàng để kích hoạt, cũng như ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động khác là điều mà Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã trao đổi.

Nhưng không phải là không có điểm sáng. Chí ít thì trong tháng 3 vừa qua, giá trị xuất khẩu ngành hàng thủy sản có chỉ số tăng ở mức 3,83% với con số cụ thể là 2,64 triệu USD do ký được các hợp đồng với giá tăng từ 5%-10%. 2,9% là mức tăng từ doanh thu vận tải kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát với con số ước đạt 738,5 tỷ đồng. Trong đó doanh thu hỗ trợ vận tải tăng ở mức 32,5%...

Rất khó để kỳ vọng vào một sự phát triển trong tình hình dịch bệnh phức tạp, đang tiếp tục diễn ra trên toàn thế giới. Và cũng chưa khi nào mà một chỉ dấu/chỉ số về sự ổn định lại được quan tâm và đặt vào nhiều hy vọng như bây giờ. Và tôi đã nghĩ đến việc “nâng niu, gom góp dựng cơ đồ” từ những điểm sáng.

Minh Hà