Kiểm tra sức khỏe bệnh nhân ở khu cách ly Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2. Ảnh: TUỆ NINH

Theo bước đường mưu sinh

Dẫu qua màn hình điện thoại nhưng tôi biết trong lời kể của chị Lê Thị Nga (quê ở TX. Hương Thủy) còn lắm nỗi âu lo. Nhớ ngày rời quê hương, chị chưa hình dung được hình hài miền đất mới. “Mưu sinh” như mệnh lệnh thúc giục chị ra đi. Lúc ấy, trong hành trang của cô gái chưa tròn 30 chỉ là những lời giới thiệu, mời gọi của đồng hương nơi nước bạn.

Ở Lào, chị Nga bươn chải đủ nghề để sống, từ phụ quán ăn, bán hàng rong, lượm ve chai ở chợ… và có lúc chị rơi và cảnh túng thiếu nơi đất khách. Mỗi lần lặng mình suy nghĩ là thêm một lần rưng rưng về miền ký ức. “Những năm đầu đặt chân đến Viêng Chăn (Lào), do chưa quen với cuộc sống mới, công việc mới nên luôn gặp khó khăn, ở không xong đi cũng chẳng được. Nhiều thời điểm muốn trở lại Việt Nam nhưng quyết tâm làm giàu ngày trước khiến tôi chẳng nỡ rời khỏi vùng đất này”, chị Nga tâm sự.

Các bác sĩ Bệnh viện huyện Phú Vang điều trị một chấn thương tại khu cách ly

Bây giờ, chị đã thành công với cơ ngơi khang trang. Những cửa hàng của chị ở những ngôi chợ nước bạn ăn nên làm ra. Lý do “sống tốt” được người đàn bà giờ đã ngoài 40 nói gọn: “Cố gắng bám trụ và miệt mài mưu sinh”. Chị trở nên giàu có và giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động từ Việt Nam sang Lào mưu sinh, những người từng có ước vọng như bản thân.

Dịch bệnh COVID-19 bất ngờ ập đến, cùng chung cảnh ngộ với nhiều hàng quán khác, tình hình sản xuất kinh doanh của chị Nga đang lâm vào ngõ cụt. Lao động ngồi “bó gối” vì không có việc làm. Các cửa khẩu đóng cửa, hàng hóa không thể lưu thông. Nhiều người Việt tại Lào ùn ùn đổ về cửa khẩu cứ như là một cuộc “tháo chạy”. Chị Nga bảo, điều đó phù hợp với thực tế, lao động mất việc trong hoàn cảnh đại dịch lan rộng, họ muốn hồi hương cũng là điều dễ hiểu.

Chăm lo cho lao động từ Lào về nước ở các khu cách ly

“Khi cửa khẩu còn mở cửa, hầu hết lao động Việt tại Lào đều khăn gói về nước. Những nhân công làm việc tại các cửa hàng của tôi cũng vậy, dẫu kinh doanh ế ẩm nhưng tôi vẫn chu cấp kinh phí cho họ về nước theo con đường chính ngạch, tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Riêng cá nhân tôi không trở lại quê bởi còn nhiều việc phải làm và tại Lào tôi cũng hạn chế đi lại để tránh lây lan dịch bệnh”, chị Nga chia sẻ.

Ly hương mưu sinh không phải ai cũng được như ý muốn, càng không phải ai cũng trở nên giàu có như chị Nga. Hàng ngàn lao động Việt đang ngày đêm chật vật kiếm sống nơi đất khách.

Trở về Việt Nam, rồi thực hiện xong thời gian cách ly, chị Trần Thị Ni (huyện Phú Lộc) vẫn còn tiếc nuối với sạp hàng nhu yếu phẩm. Gần 10 năm bén duyên với thủ đô xứ Triệu Voi, sau tết vừa rồi, chị Ni quyết định làm ăn lớn bằng việc đầu tư cửa hàng bán tạp hóa. Số vốn ít ỏi tích cóp sau nhiều năm cùng với sự hỗ trợ của gia đình ở quê hương bây giờ buộc nằm “bất động” trên đất khách. Vợ chồng, con cái dắt díu nhau trở lại quê hương.

“Ai thành công thì bảo nước Lào là vùng đất dễ làm ăn nhưng nhiều người ở đây cũng chật vật lắm. Sau nhiều lần thất bại, tôi vừa đầu tư cửa hàng hơn cả trăm triệu đồng bây giờ đành chịu vì dịch bệnh. Không thể làm ăn, dịch bệnh lan rộng nên ai cũng lo lắng. Cuối cùng về nhà là giải pháp an toàn nhất, bên người thân và bên những thứ thân thuộc ngày trước. Với suy nghĩ còn sức khỏe thì còn công việc nên chúng tôi trở lại Việt Nam, cửa hàng đóng cửa nhờ người quen ở Lào trông coi”, chị Ni nói.

Quê hương lại dang rộng vòng tay, “ôm” lấy đồng bào thân yêu. Cách ly là điều buộc phải làm trước tình thế dịch bệnh đang căng thẳng, những lúc ấy mới thấy hết những yêu thương cộng đồng người Việt dành cho nhau…

Còn lại những yêu thương

Tại các khu cách ly trên địa bàn tỉnh, hàng ngàn đồng bào người Việt trở về từ Lào đang được chăm sóc tận tình, chỉ thoáng từ xa nhưng đủ thấy được trên ánh mắt họ là sự hài lòng, biết ơn. Những lá thư gửi lại khu cách ly chính là những cảm xúc thật gần gũi và thân thương.

“Cảm ơn tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện cho chúng tôi về nước cách ly, có nơi ăn chốn ở sạch sẽ, an toàn để vượt qua dịch bệnh. Tất cả chúng tôi mong sao dịch bệnh mau chóng qua đi, để xã hội ngày càng thịnh vượng”, tâm sự của một lao động làm việc tại Lào hoàn thành cách ly tại khu cách ly thuộc xã Phú Thượng (huyện Phú Vang) đủ để thấy yêu thương đã được san sẻ.

Trong một lần trò chuyện với Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang Trương Như Sơn, ông bảo với đội ngũ y bác sĩ tại các khu cách ly, ngoài yếu tố chuyên môn, san sẻ yêu thương cho đồng bào đang sinh sống tại nước ngoài như là nhiệm vụ. Họ quyết định trở về nhà đủ để thấy quê hương nguồn cội vẫn hằn sâu trong tâm khảm của mỗi người.

“Chúng tôi chủ yếu chăm sóc cho đồng bào đang lao động tại Lào về nước cách ly. Không chỉ là chăm sóc y tế đơn thuần mà trong quá trình cách ly tại đây, nhiều trường hợp bệnh tật của người dân phát sinh. Đó có thể là một phụ nữ chẳng may động thai hay một chấn thương ngoài mong muốn, những lúc ấy rất cần cái tâm lẫn sự chia sẻ của đội ngũ ngành y. Chúng tôi xem đồng bào như những người thân trong gia đình”, bác sĩ Sơn nói.

Dẫu bao phận đời đã quen trắc trở nơi xứ người nhưng chẳng ai dám chắc rằng, họ yên tâm, ngồi yên đợi cơm. Có mặt tại nhiều điểm cách ly, chúng tôi nhận ra rằng, chính những yêu thương làm vơi đi nỗi lo âu trên từng khuôn mặt mỗi người lúc hoạn nạn.

Chiến sĩ Lê Xuân Đức hàng ngày túc trực tại điểm cách ly Trường Nghiệp vụ Thuế là người hiểu rõ nhất những lo toan không chỉ người được cách ly mà cả những người thân đang bồn chồn đâu đó.

“Cũng bởi lo lắng nên nhiều trường hợp gửi thức ăn, nước uống vào cho người thân đang cách ly. Mặc dù hiểu tấm lòng của họ nhưng chúng tôi không thể nhận và cố gắng động viên, giúp họ hiểu rõ hơn về dịch bệnh và những gì Nhà nước đang làm”, anh Đức bày tỏ.

Thư cảm ơn của người dân sau khi hoàn thành cách ly

“Ở khu cách ly, ngày ba bữa cơm, các đồ dùng vệ sinh cá nhân đều đầy đủ. Mỗi ngày, các anh chị đều thay đổi món ăn, đầy đủ chất dinh dưỡng. Các anh, chị đã vì nước quên thân, vì dân quên mình, chăm lo cho mọi công dân Việt Nam về nước cách ly. Các anh đã thức khuya, dậy sớm đón chúng tôi về khu cách ly một cách nhiệt tình, chu đáo. Rất cảm ơn các anh, chị! Chúc cán bộ chiến sĩ nhiều sức khỏe và bình an trong cuộc sống” - Dòng chữ nắn nót của chị Nguyễn Thị Nhung (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) được viết trên trang giấy gửi lại các chiến sĩ đang ngày đêm tận tụy cũng là cảm nghĩ của rất nhiều đồng bào Việt làm việc tại Lào thực hiện cách ly.

Công dân Việt tại Lào đã trở về nguồn cội, được đón nhận trong tình yêu thương. Khó có thể diễn tả bằng lời, nhưng nét chữ trong những bức thư vẫn còn nó. Vẹn nguyên cảm xúc, thấm đẫm tình người!

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN