Khi hai con đi học, ngoài chăm lo cho chúng, vợ chồng anh còn quan tâm thầy cô. Chẳng phải người nào đứng trên bục giảng cũng đánh đổi những tốt đẹp phụ huynh dành cho mình bằng cách ưu ái con em họ một cách vô lối. Nhưng với không ít bậc cha mẹ, chăm lo thầy cũng là chăm lo… con mình từ xa; nói cách khác là đầu tư cho tương lai con em chúng ta. Chưa cần biết thầy cô châm chước nâng đỡ gì không nhưng cứ đi lại kết nối thâm tình với quý vị ấy rồi kèm chút quà, thế là phần nào yên tâm về việc học của bọn nhỏ. Phụ huynh có con em học đuối hoặc quậy phá càng gần gũi thầy cô hơn.

Theo quan sát của anh, ngay khi vào năm học mới, nhiều người đã manh nha thiết lập quan hệ với các thầy. Việc này thì anh khẳng định ngay và luôn rằng, các bà hơn các ông một cái đầu! Nơi các bà tìm kiếm thông tin về những người đứng trên bục giảng, có thể ở hàng ăn hay ở chợ hoặc những lần tụm lại “tám” đến quên nấu cơm, giặt đồ. Số điện thoại, địa chỉ nhà riêng những người dạy con mình rồi quý vị ấy có dạy thêm hay không… các bà biết tất. Chẳng cần đi học, càng không quản lý giáo dục nhưng lắm bà nhận xét như thật về chuyên môn của các giáo viên chưa một lần gặp mặt! Rồi những kinh nghiệm cũng được trao truyền cho nhau. Chẳng hạn, phải học thêm cô chủ nhiệm này, nếu không muốn bị trù; nhưng đồng thời phải tìm chỗ học thêm tốt hơn để có thực lực; nếu không, thi quốc gia thì đứt! Thầy dạy thêm kia cho điểm hào phóng như thả bong bóng, cha mẹ tưởng con mình ngon, coi chừng chết non đấy!

Lắm lúc nghe vợ hóng hớt đâu đó rồi thuật lại những mặt trái của nghề giáo, anh thường gạt đi. Những chuyện chẳng thể kiểm chứng nhưng được thêu dệt và tán phát khơi khơi như thế, phỏng ích gì!? Không chừng mình tự biến thành kẻ ác độc khi bôi xấu những người khả kính. Nhưng chị vẫn giữ ý mình, lại còn dè bỉu: “Anh quá lạc hậu!”

Việc thăm hỏi, tặng quà thầy cô dịp lễ tết, tất nhiên do vợ thiết kế; anh tham gia bị động, với vai trò chạy xe ôm rồi tươi cười chúc tụng, trao quà, tặng hoa. Chỉ cần thế là chị vui phơi phới, ngồi sau xe cứ ngân nga cái câu như chân lý: “Muốn sang phải bắc cầu kiều/muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy.” Anh thì chua chát nghĩ, “yêu” trong trường hợp này lắm khi nhất thời như gió thoảng mây bay. Bởi con em học lên lớp trên, phụ huynh lại có ngay “tình yêu” mới! Chỉ sau vài năm, chắc nhiều bậc cha mẹ chẳng còn nhớ tên thầy cô mà mình từng kết giao với bao ái ngữ cùng rất nhiều nghĩa cử. Anh tự vấn, chuyện tình nghĩa sao dễ ngả nghiêng, hoán đổi như bèo dạt mây trôi!? Lại phấp phỏng lo xa, không biết có bao con em chúng ta giữ được tình thầy trò tốt đẹp bền lâu. Nhìn gần, anh đã xót đau khi thấy bao chuyện học trò lỗi đạo với thầy cô.

Hôm bố anh dưới quê lên thăm, thấy con dâu phân vân mãi mà vẫn không chọn được quà tặng thầy của con dịp tết, cụ nhỏ nhẹ: “Đừng quá câu nệ quà cáp; cốt yếu là tình cảm chân thành, con ạ”. Thấy vợ im nhưng anh biết nàng không đồng tình với bố. Với nàng, quà cho thầy cô phải độc, không đụng hàng để các vị ấy nhìn là nhớ con mình ngay nhưng cũng không thể chi mạnh tay quá mức. Vậy nên không chỉ động não vì quà mà còn phải cầu thị kinh nghiệm của phụ huynh có con học lớp trước.

Lần khác, nghe con dâu kể chuyện chạy trường cho con của một người mẹ trẻ nào đó, bố có vẻ không vui. Chị kể như thể người trong cuộc, từ chi phí đến lộ trình rồi đường dây, cửa chạy. Bố lãng đi, không muốn nghe nhưng con vẫn chưa thôi háo hức. Người kể lại không tiếc lời xuýt xoa, cứ như ngưỡng mộ người chạy giỏi kia lắm lắm. Thấy thế, cụ dắt hai cháu ra ngoài chơi; sau nói riêng với con dâu: “Tâm hồn các cháu trong trắng, không nên để chúng vẩn đục vì những chuyện như thế”.

Anh biết bố rất dị ứng chuyện chạy chọt. Sống sót trở về sau chiến tranh, ông được nhiều người khuyên nên giám định thương tật để làm chế độ thương binh nhưng đáp lại là nụ cười nhẹ như bông: “Trầy da sơ sơ mà thương binh chi!?”. Chỉ đến khi bạn thân là chủ tịch huyện tới nhà giục “ông viết đi, tôi chứng cho”, cụ mới làm thủ tục. Khi giám định, bác sĩ kết luận cứ đắn đo: “Chú bị toàn phần mềm, tỷ lệ thương tật thấp lắm. Giờ tính sao đây?” Chẳng rõ bác sĩ lăn tăn thay cho người được giám định hay vì nỗi niềm khuất tất mà cứ nhíu mày bóp trán hồi lâu. Nghe ông ấy lặp đi lặp lại chất vấn giữa trời “khó quá, giờ tính sao đây”, cụ trả lời trớt quớt: “Được thì tháng có thêm mấy trăm; không được thì thôi, chớ tính sao!?” Nói rồi cụ quay lưng, chẳng một lời năn nỉ.

 

Nghe cụ kể lại, ông bạn hàng xóm vỗ đùi, thốt lên: “Trời ơi, sao ông chậm hiểu vậy!? Người ta nói thế khác nào đưa cái chìa khóa cho mình; phải nắm lấy và mở ngay!” Cụ ngơ ngác: “Mở gì?” Tiếng đáp lại như quát: “Mở túi chứ còn gì nữa, thế mà cũng hỏi!” Vẫn nụ cười chế giễu trên môi, người kia tiếp tục chọc ngoáy: “Ông biết tiếng Tàu tiếng Tây nhưng bác sĩ nói tiếng ta, lại không hiểu, thế mới đau!!!” Cụ trố mắt nhưng chẳng những không ngộ ra, còn choảng lại: “Dù có hiểu tôi cũng chẳng làm cái trò đó!” Nói rồi, cụ nhăn mặt, khoát tay, bỏ đi.

Những lúc nghe ai đó so đo hơn thua về chế độ chính sách, cụ bình thản: “Mình còn sống tới hòa bình là nhất rồi, đòi hỏi gì nữa!?” Qua đồng nghiệp cũ của bố, anh được biết, có lần cụ cùng năm anh em trong ban giáo dục huyện bám về đồng bằng cõng gạo, bị địch ném bom rải thảm. Cả năm người vĩnh viễn nằm lại, chỉ duy nhất cụ trở về, với mình đầy thương tích.

Lúc con còn nhỏ thì bố thoát ly; khi bố mẹ ở quê thì con lên thành phố, thỉnh thoảng đáo về nên anh ít hiểu bậc sinh thành. Ngày bố mất, anh bất ngờ thấy bạn cụ đến viếng đông, nhiều người thành kính kể bao chuyện về người thầy của họ. Anh giật mình khi lần đầu được biết bố từng là hiệu trưởng trường bổ túc công nông của huyện đóng ở hốc Bà Sáu trên đỉnh Hòn Tàu. Ngôi trường lạ từ tên gọi ấy giữa thời chiến đã gắn với bao điều lạ. Mái trường chính là hang đá. Lắm trò còn nhiều tuổi hơn cả thầy. Học trò không chỉ cầm bút mà còn cầm cuốc. Phải lo gạo muối, hầm hào trước khi làm quen con chữ, phép tính. Trường chỉ yêu cầu đọc thông viết thạo nên học viên học khoảng năm rưỡi là trở lại đơn vị công tác. Lời thầy giảng bài nhiều khi lẫn trong tiếng bom pháo và không ít thầy trò chẳng bao giờ còn được xuống núi để thấy quê hương hòa bình.

Nghe giới thiệu các đoàn vào viếng bố, anh biết có nhiều người thành đạt cũng bắt đầu từ mái trường trong bom đạn ấy. Nghe họ kể về bố, anh vừa tự hào vừa xấu hổ bởi có bao điều được người ngoài nhớ rõ nhưng lại là chuyện lạ với con. Họ bảo rằng, trong số cán bộ huyện hồi ấy, người có bằng thành chung như thầy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thầy thương yêu và chăm lo cho học trò như con. Thầy lo xa nên luôn cho tích trữ lương thảo, lại giỏi tổ chức sản xuất nên trường chẳng bao giờ phải đói quá hai ngày, dù bị địch siết chặt vòng vây. Dù sốt rét tím tái nhưng đêm đêm thầy vẫn hát rung cả hang đá, tiếng hát ấy đã xua đi nỗi sợ của những học trò lần đầu nghe bom gào pháo rít. Sau ngày đất nước thống nhất không lâu, thầy tổ chức gặp mặt cựu giáo viên, học viên của trường nhưng suốt buổi cứ nghẹn ngào không cất nên lời khi thấy có nhiều học trò bị bom đạn cướp đi vĩnh viễn. Thầy khóc khiến trò khóc theo, buổi gặp mặt tưởng chỉ có nụ cười nhưng lại có vô vàn nước mắt dành cho những người đã khuất.

Sau ngày mãn tang bố, anh đưa mẹ lên phố ở cùng, đường về quê như có phần xa hơn. Nhà ở quê thì trở thành nhà thờ. Mỗi lần về, chiều nào anh cũng qua mộ bố thắp hương rồi ngồi cho đến khi tắt nắng. Anh lấy làm lạ là vào dịp cuối năm, mộ bố lại có nhiều chân hương còn mới và cả những bó hoa đã héo. Anh nghĩ, chắc gia đình những người an táng kế bên san sẻ hương hoa, giống như khi sống người ta thơm thảo chia sẻ cho láng giềng chút quà vậy. Tuy nhiên, hiện tượng ấy lặp lại lần thứ ba thì anh không thể yên lòng với ý nghĩ đó. Nghe con thuật lại chuyện lạ, mẹ anh ngồi lặng lúc lâu rồi từ tốn: “Chắc học trò cũ của bố con…”.

Đúng thế. Dịp 20 tháng 11 năm rồi, anh về thắp hương mộ bố, gặp lúc đoàn các cựu học sinh đến viếng thầy. Lần đầu thấy cảnh này, anh bối rối thốt lên lời cảm ơn rồi đứng lặng trong xúc động dâng tràn. Bên người đi xe hơi là những cụ được con cháu đèo đến bằng xe máy, có cả người chống gậy lần từng bước tới bên mộ thầy. Những túi cam, nho dán nhãn mác nước ngoài và những trái thanh long, vú sữa hái từ vườn nhà cùng bày ra. Bên những bó hoa cúc, lay ơn được bao giấy bóng là những bông mẫu đơn, vạn thọ quen thuộc trước sân vườn được dâng lên… Nhìn những mái tóc bạc phơ cúi lặng trong khói hương lúc chiều tàn, anh rưng rưng.

Đoàn người đã về nhưng anh vẫn ngồi lại bên mộ, nghĩ mãi về tình thầy trò xưa và nay… Bất chợt, anh hổ thẹn khi nhận ra, mình chưa một lần chúc mừng hay tặng hoa bậc thầy yêu kính tại gia, trong khi sốt sắng làm điều tương tự với lắm người rất nhanh nhạt nhòa.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT