Bắt đầu từ cú hích “Ghen Cô Vy”, âm nhạc nước nhà gần đây liên tục có thêm rất nhiều sản phẩm về cuộc chiến chống “giặc COVID-19”. Ở Huế, hai ca khúc “Lời nguyện blouse trắng” và “Đừng phàn nàn” (lời ráp Hàn Giang) được nhạc sĩ Trương Pháp sáng tác thời điểm này nhận được rất lời ngợi khen. Còn hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, ngay lập tức đã có nhiều ca khúc “chống giặc COVID-19” ra đời.
Nghe những bài hát chống “giặc COVID-19” hôm nay, tôi nhớ đến “Thay lời muốn nói”, một chương trình ca nhạc theo yêu cầu của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. “Thay lời muốn nói” được sản xuất dựa trên những lá thư chia sẻ, tâm sự của khán giả gửi đến, biên tập viên sẽ xâu chuỗi lại thành một mạch nội dung thống nhất và chọn các bài hát để phát sóng. Trước mỗi bài hát, người dẫn chương trình đọc một vài đoạn chọn lọc trong số các lá thư gửi về phù hợp với bài hát đó.
Trong một trả lời phỏng vấn báo chí về ca khúc “Cười lên Việt Nam”, nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Thanh Bình bảo rằng, sáng tác âm nhạc của anh là món quà cũng như một thông điệp mà anh muốn gửi tới những người anh hùng thầm lặng ngày ngày chống dịch, những người trên tuyến đầu như y bác sĩ, bộ đội… họ thực sự đáng được trân trọng và cũng là lời tri ân của chúng tôi, những người nghệ sĩ đối với họ.
Hãy trở lại với “Ghen Cô Vy” với những ca từ mở đầu “Dạo gần đây, có một virus rất hot/Tên của em ấy Corona…”. Nhớ đã có lời bình, rằng “Ghen Cô Vy” là một ca khúc rất hay, giúp bạn giữ vệ sinh tay chân. Lời bài hát vui tươi, mô tả đầy đủ thông tin về COVID - 19. Từ bài hát, ta phần nào biết cách phòng tránh virus này và đó là sự nhắc nhớ khéo léo cho việc giữ gìn vệ sinh trong mùa dịch bệnh “Corona”. Và tôi đã nghĩ, đó cũng là cách “thay lời muốn nói” của âm nhạc, món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống, góp phần vào cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19 hôm nay.
ĐAN DUY