Tư vấn cho người lao động hưởng các chế độ chính sách BHXH phù hợp

Muôn vàn lý do

Sau Tết Nguyên đán 2020, số lượng người nộp hồ sơ để được hưởng BHXH một lần tăng cao. Đa số lao động đều ở độ tuổi từ 35 - 40 tuổi, chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp… Chỉ riêng tháng 3, gần 800 lao động nhận BHXH một lần tăng 20% so với những tháng trước đó. Dự báo của ngành BHXH sẽ còn tăng khi tình trạng mất việc do COVID-19 kéo dài.

Chị Lê Thị Lan, công nhân may ở Khu công nghiệp Phú Bài có thời gian tham gia BHXH bắt buộc gần 6 năm cho biết, cách đây 2 năm, chị sinh con nhỏ nên nghỉ việc ở công ty. Chị trở thành lao động tự do, ai thuê đâu làm đấy, đắp đổi qua ngày. Định bụng, cất sổ BHXH để sau nay công việc ổn định, chị sẽ tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu khi về già. Nhưng ra năm, công việc bấp bênh nên chị quyết định nộp hồ sơ để hưởng BHXH một lần, dù nhiều lần được cán bộ BHXH tư vấn nên giữ lại sổ BHXH.

Trong khi đó, anh Nguyễn Thịnh, mới tham gia BHXH bắt buộc được 9 tháng, đã nghỉ việc được hơn 1 năm cũng quyết định khép sổ BHXH và làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ. Anh Thịnh cho hay, anh có ý định sẽ tham gia BHXH bắt buộc khi làm ở công ty khác, nhưng thấy tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ khó tìm việc nên quyết định làm thủ tục nhận BHXH một lần.

Nhiều lao động cho rằng, cơ sở pháp lý, hệ thống BHXH hiện nay chưa linh động và mềm dẻo, chính sách BHXH chưa thực sự hấp dẫn, khiến họ chưa sự gắn bó với BHXH lâu dài. Bên cạnh đó, việc hưởng BHXH một lần khá thuận lợi.

Ông Trương Công Khả, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh, cho biết: Theo quy định, người lao động sau khi nghỉ việc đủ 12 tháng mà không có việc làm mới thì đủ điều kiện để hưởng BHXH một lần. Do đó, rất nhiều người lao động chốt sổ bảo hiểm vì không xin được việc làm mới. Mặt khác, người lao động dù biết sẽ bị ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài, nhưng vì khó khăn nên buộc phải chốt sổ bảo hiểm để lo cho cuộc sống trước mắt. Số tiền lao động nhận một lần không nhiều bình quân từ 25 đến 30 triệu đồng/người. Với số tiền này, người lao động cũng khó có thể đầu tư, cải thiện cuộc sống về lâu dài trong khi lại mất đi rất nhiều quyền lợi từ việc tham gia, bảo lưu quá trình đóng BHXH.

Nhiều thiệt thòi về sau

Thời điểm này, ngành BHXH tích cực vận động người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc để tiếp tục được cộng nối, nếu người lao động đi làm ở những doanh nghiệp mới hoặc tham gia BHXH tự nguyện. Thông qua các website nội bộ, fanpage và các trang facebook, các doanh nghiệp đã tư vấn trực tiếp những bất lợi và lợi ích cho NLĐ trong khi tham gia BHXH. 

“Trong lúc khó khăn lao động muốn hưởng BHXH một lần hay đợi đến tuổi hưu cũng tùy vào quyền quyết định của mỗi người. Tuy nhiên, mong muốn giữ chân NLĐ, chúng tôi vẫn tuyên truyền, vận động lao động không nên hưởng BHXH một lần; tiếp tục tham gia BHXH sau khi đi làm trở lại”, anh Trịnh Văn Bách, chủ doanh nghiệp chế biến gỗ Hưng Thịnh ở TP. Huế, cho hay.

Theo ông Trương Công Khả, số tiền đóng BHXH bắt buộc chính là thành quả của quá trình lao động, là một khoản tích lũy, dự phòng cho bản thân người lao động khi về già. Số tiền này không mất đi mà vẫn được cơ quan bảo hiểm quản lý, đầu tư tăng trưởng.

Người lao động cần cân nhắc, lựa chọn khi nhận BHXH một lần. Đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu - trợ cấp khi về già, cũng như được hưởng chế độ BHYT. “Trước khi làm hồ sơ hưởng BHXH một lần, người lao động nên đến cơ quan BHXH để được tư vấn để có quyết định sáng suốt, phù hợp”, ông Khả nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Huế Thu