Người dân A Lưới quan tâm hơn việc vệ sinh nhà cửa, làm đẹp đường, ngõ (Ảnh chụp trước ngày 1/4)

Làm đẹp trong cộng đồng là làm đẹp cho mình

Cùng một người bạn trở lại A Lưới vào ngày giữa tuần, chúng tôi bất ngờ với đường làng, ngõ xóm và từng căn nhà của người dân. Không còn cảnh nhếch nhác, rác thải, thay vào đó thảm hoa trải dọc theo đường vào đến tận ngõ; bộ mặt của từng căn nhà cũng trở nên gọn gàng, đẹp hơn. Anh Hồ Văn Đồng, người dân thôn Hợp Thượng, xã Hồng Thượng chia sẻ: “Không đợi đến chủ nhật, mỗi ngày tôi cùng vợ đều dành 30 phút để làm đường hoa, chăm sóc vườn hoa trong nhà và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ”.

Cách làm của anh Hồ Văn Đồng không phải cá biệt, thậm chí là chuyện phổ biến của những tổ ấm trên đỉnh Trường Sơn. Anh Hồ Văn Trung, người dân xã Trung Sơn nhớ lại, trước đây trong suy nghĩ của anh và nhiều người, sáng chiều đều để tâm ở nương rẫy, để mưu sinh qua ngày. Vì lao động vất vả, có khi xong việc, nhà bừa bộn cũng không bận tâm dọn dẹp. “Nhà mình nhiều khi cũng lười dọn dẹp, nên không mấy khi nghĩ đến đường làng, ngõ xóm. Nếu có làm, cũng chỉ theo phong trào xã, thôn phát động. Nhưng giờ thì đã khác”, anh Trung cười hiền.

"Ngày Chủ nhật xanh" ban đầu ở A Lưới chỉ là phong trào, do lực lượng Đoàn Thanh niên làm chủ công và cũng có người dân làm chỉ vì hưởng ứng. Thế nhưng, khi những dãy hoa được trồng, thôn, ngõ xóm trở nên sạch đẹp, thì từ già đến trẻ ở A Lưới không còn xem đó là chuyện phong trào.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện A Lưới chia sẻ, chưa có một thống kê cụ thể nào để đo lường sự quan tâm của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng rõ nhất là sự thay đổi trong nếp sống của người dân ở vùng cao. Ngoài những nơi có thu gom rác thải tập trung, thì ở những thôn bản khác, họ cũng tự chế các thùng rác, phân loại rác để xử lý hoặc chở ra trung tâm – nơi có các thùng rác để đổ. Hết vệ sinh trong nhà, họ lại cùng nhau làm đẹp đường làng, ngõ xóm. Phụ huynh dặn dò con ý thức giữ gìn vệ sinh chung, nên bây giờ, vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải không còn.

Hình thành nếp sống văn hóa

Mảnh đất vùng cao A Lưới vẫn còn nhiều khó khăn, thế nhưng theo bà Lê Thị Thêm, việc xây dựng, hình thành nếp sống văn hóa là câu chuyện mà A Lưới đã và đang phấn đấu. Còn nhiều tiêu chí để đánh giá tổng thể phong trào, tuy nhiên, ý thức người dân đã có chuyển biến tích cực. Điều đó cũng phần nào lý giải số gia đình được xét công nhận danh hiệu gia đình đạt chuẩn văn hóa (10.706/11.937 hộ gia đình, đạt 89,7%) và 89/97 làng, thôn, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa (đạt 91,75%) trong năm 2019.

Theo Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu, xây dựng nếp sống văn hóa của A Lưới trước đây đi từ chiều rộng, bây giờ chuyển sang chiều sâu. Từ những phong trào được tổ chức, người dân đã và đang ủng hộ, họ nhắc con cái sống theo nếp sống văn hóa, từ việc giữ gìn vệ sinh chung, giao tiếp ứng xử, chia sẻ lẫn nhau, xây dựng đời sống văn hoá vui tươi, lành mạnh, hạn chế và xoá bỏ những hủ tục lạc hậu.

Bài, ảnh: Minh Tâm