Ông Hồng (phải) trao đổi với phóng viên

Theo trình bày của ông Hồng, thời chiến tranh chống Mỹ, lúc ông khoảng 10 tuổi, đang chăn bò ở cánh đồng thì máy bay Mỹ đến ném bom làm ông bị thương nặng, phải cắt bỏ bàn tay phải.

Năm 2000, ông được UBND xã Vinh Phú (cũ) và huyện Phú Vang cho hưởng chế độ dành cho người khuyết tật. Ban đầu ông được hưởng mức 45.000 đồng/tháng và sau tăng dần lên 270.000 đồng/ tháng. Năm 2015, không hiểu lý do gì, khoản trợ cấp này bị cắt.

“Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Bản thân được UBND xã Vinh Phú (cũ) cấp giấy xác nhận khuyết tật, mức độ nặng. Riêng vợ không có công việc ổn định. Hiện nay, tôi chỉ sống dựa vào người con trai chưa vợ làm phụ hồ, hoàn cảnh rất khó khăn. Tôi mong các cấp chính quyền cho tôi tiếp tục được hưởng chế độ dành cho người khuyết tật”. Ông Hồng bày tỏ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ông Hồng được nhận tiền trợ cấp người khuyết tật từ năm 2000. Năm 2013, UBND huyện Phú Vang có Quyết định số 4029/QĐ-UBND xác định ông Hồng là thương tật nặng được hưởng trợ cấp hàng tháng với số tiền là 270.000 đồng thay thế các Quyết định trước đó. Tháng 9/2015, ông Lê Văn Thuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Phú (cũ) có giấy báo giảm, cắt chế độ hưởng trợ cấp đối với ông Hồng với lý do thương tật nhẹ.

Ông Đỗ Viết Tư, Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết, năm 2015, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Phú Vang phối hợp với xã đi phát tiền tại cơ sở; đồng thời kiểm tra các đối tượng được hưởng trợ cấp. Qua đó, Phòng LĐTBXH huyện yêu cầu cắt chế độ trợ cấp của ông Hồng do ông thuộc diện thương tật nhẹ (cụt bàn tay phải), tự lao động và làm các việc khác được.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Nhơn Mâng, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Phú Vang cho biết, thực hiện Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật và Thông tư Liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT, năm 2015, Phòng đã cử cán bộ đi kiểm tra, xác định lại thương tật của những đối tượng đang được hưởng trợ cấp. Ông Hồng thuộc dạng khuyết tật nhẹ. Vì vậy, sau khi xã lập hồ sơ lên, Phòng LĐTBXH đã tham mưu UBND huyện ra quyết định cắt giảm số đối tượng khuyết tật không thuộc diện theo văn bản hướng dẫn. Thời điểm đó, không riêng gì ông Hồng, xã Vinh Phú (cũ) có 7 người, Vinh Thái (cũ) có 13 người, thị trấn Phú Đa có 18 người…không còn được hưởng chế độ trợ cấp người khuyết tật.

“Hiện nay, ông Hồng muốn xác định lại mức độ thương tật có thể gửi đơn lên Hội đồng xác định khuyết tật xã để được xem xét, giải quyết. Việc xác định mức độ được thực hiện theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 2/1/2019 của Bộ LĐTBXH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Nếu không đồng ý với kết quả xác định của xã, ông Hồng có quyền yêu cầu Phòng LĐTBXH huyện Phú Vang có văn bản đề nghị Sở LĐTBXH giới thiệu ra Hội đồng Y khoa để giám định mức độ khuyết tật. Nếu đủ tiêu chuẩn là người khuyết tật nặng, ông không phải trả chi phí giám định...”. Ông Mâng khẳng định.

Hải Huế