COVID-19 vẫn chưa tới đỉnh dịch, tình hình vẫn đang khó kiểm soát. Ảnh minh họa: AFP/Thanh Niên

Tính đến 5h sáng ngày 15/4 theo giờ Việt Nam, thế giới ghi nhận gần 2 triệu ca nhiễm COVID-19, hơn 126.000 ca tử vong. Ba quốc gia có số ca nhiễm cao nhất lần lượt là Mỹ, Tây Ban Nha và Italy.

Hiện, tâm dịch đã chuyển từ Trung Quốc – nơi virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12/2019 sang Mỹ, quốc gia hiện có số trường hợp tử vong do COVID-19 gây ra chạm mốc 25.975 trường hợp, cao nhất thế giới.

Trong công tác xem xét nới lỏng các quy định hạn chế, các lãnh đạo y tế thế giới cho biết phải cân bằng được giữa nguy cơ đối với sức khỏe và nền kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là khi những điều luật hạn chế quá nghiêm ngặt đặc biệt là ở Trung Quốc đã khiến hoạt động kinh tế bị đình trệ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông tin, nhiều khả năng nền kinh tế thế giới sẽ giảm 3% trong năm 2020, đánh dấu sự suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Cuộc Đại khủng hoảng.

Trong một thông tin khác, WHO cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới đã chứng kiến sự giảm nhẹ ở một số quốc gia thuộc Châu Âu, bao gồm Italy và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ổ dịch lại bùng phát mạnh mẽ ở Anh và Thổ Nhĩ Kỳ.

“Nhìn chung về ổ dịch trên toàn thế giới, 90% các trường hợp ghi nhận ở châu Âu và Mỹ. Do đó, hiện chúng ta vẫn chưa đạt đến đỉnh dịch”, Phát ngôn viên của WHO Margaret Harris trong một phát biểu ở Geneva cho hay.

Nhìn về mặt tích cực, chứng khoán thế giới đã tăng trở lại khi Trung Quốc bắt đầu đạt được nhiều tín hiệu tốt và một số quốc gia cũng đã nới lỏng một phần các hạn chế.

Tại Tây Ban Nha, một số doanh nghiệp trong ngành xây dựng và sản xuất đã được phép hoạt động trở lại. Nhà hàng, quán bar và không gian công cộng vẫn buộc phải đóng cửa ít nhất là đến ngày 26/4.

Trước quyết định này của chính phủ Tây Ban Nha, một số lao động lo ngại rằng việc giảm bớt hạn chế có thể tăng nguy cơ lây nhiễm. Song một số khác – đơn cử như công nhân xây dựng Roberto Aguayo, 50 tuổi ở Barcelona cho rằng việc tái hoạt động diễn ra lúc này là đúng thời điểm.

“Chúng tôi rất cần quyết định này của chính quyền, đặc biệt là khi chúng tôi sắp cạn kiệt nguồn thức ăn”, ông Roberto trả lời báo giới Reuters.

Tại Italy, nơi có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới, với 20.465 trường hợp hiện vẫn duy trì một số hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Đan Mạch, một trong số những quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng lệnh phong tỏa cũng sẽ mở cửa trở lại nhà trẻ và trường học cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 từ ngày 15/4.

Hàng ngàn cửa hàng ở Australia đã đi vào hoạt động trở lại từ ngày 14/5 vừa qua. Tuy nhiên, chính phủ nước này cho rằng nguy hiểm vẫn chưa kết thúc.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA & Worldmeters)