Tại giải vật dân tộc ĐH TDTT tỉnh lần VII-2014 (chỉ có 25 VĐV đến từ 5 đơn vị: TP. Huế, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà và Hương Thủy tham dự), dù không muốn nhưng HLV tuyển vật Đinh Văn Kiên vẫn phải thừa nhận, vật Huế đang thiếu lực lượng kế thừa khi kết thúc giải đấu, không hề xuất hiện gương mặt tài năng mới trên bục nhận huy chương.

Các VĐV đạt HCV tại giải vật dân tộc ĐH TDTT tỉnh 2014 cũng chỉ là những gương mặt quen thuộc. Từ trái qua: Nguyễn Văn Tuấn hạng 50kg, Nguyễn Mạnh Tấn hạng 57kg, Lê Phương Long hạng 65kg, Đặng Văn Phước hạng 70kg, Hồ Đăng Trọng Khánh, hạng trên 70kg

Theo HLV Đinh Văn Kiên, Huế là nơi sản sinh ra nhiều VĐV tài năng ở môn vật, điều này minh chứng qua những tấm huy chương, những lần các tỉnh, thành bạn đánh tiếng đòi “mua” nguyên dàn vật nữ của Huế. Tuy nhiên, trong những lần tuyển trạch, bên cạnh tâm lý của các bậc phụ huynh không muốn cho con em (nhất là nữ) tham gia môn thể thao nặng (vật là một trong những môn thể thao nặng cùng với judo, cử tạ…) mà không có chế độ ưu đãi chuyên biệt thì ở các địa phương của Huế, vật vẫn là môn khá mới, không mang tính truyền thống, trừ làng Sình (Phú Vang) và Thủ Lễ (Quảng Điền). Điều này dẫn đến các địa phương không mấy “máu me” cũng như không đủ điều kiện để xây dựng, phát triển phong trào, yếu tố quan trọng để phát hiện, tuyển chọn tài năng cho tuyển vật Huế.

Tuy sới vật làng Sình là điểm đến của khá đông người dân sở tại cũng như các tỉnh, thành lân cận mỗi dịp đầu xuân nhưng thực tế, phong trào vật của Phú Vang gần như không có. Muốn phong trào phát triển thì ít nhất phải thành lập được CLB, phải có nơi tập luyện, thi đấu cho các VĐV. Nhưng những hạn chế về kinh phí khiến những điều này chỉ có thể bàn trên giấy - Trưởng phòng VHTT huyện Phú Vang - Nguyễn Lương Dũng nói.

Tương tự, PGĐ Trung tâm VHTT thị xã Hương Thủy - Nguyễn Viết Quốc cũng cho rằng, bên cạnh không phải là môn thể thao truyền thống của địa phương, việc thiếu địa điểm tập luyện, thi đấu là yếu tố khiến phong trào vật của địa phương không thể phát triển.

Phong trào là nền tảng để phát triển thể thao đỉnh cao. Và để xây dựng, đẩy mạnh phong trào cũng như tạo cơ sở tuyển chọn những VĐV tài năng bổ sung cho đội tuyển tỉnh, bên cạnh việc đầu tư nhà tập luyện, nhà thi đấu, tạo điều kiện thành lập CLB tại các địa phương, có lẽ, việc đưa vật trở thành môn tự chọn trong các trường học tiến tới trở thành môn thi đấu tại HKPĐ tỉnh, đồng thời tổ chức giải vật cho lứa thiếu niên, nhi đồng dưới sự thống nhất, ủng hộ của ngành, của tỉnh sẽ góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt lực lượng của bộ môn vật thời gian tới.

Hàn Đăng