Trên 300 hội viên Hội LHPN TP. Huế tự nguyện tham gia hỗ trợ công tác hậu cần cho các khu cách ly tập trung phòng dịch COVID-19

Đồng hành, chia sẻ

Từ một cơ sở may quy mô hộ gia đình, sau 15 năm gắn bó và tâm huyết với nghề, giờ đây, chị Nguyễn Thị Thùy Trang (phường Hương Sơ- Chủ nhiệm CLB Nhân Ái) đã thành lập xưởng may quy mô lớn, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 hội viên, đồng thời liên kết với các hội viên trên địa bàn thành phố sản xuất hàng may mặc.

Để tạo việc làm thường xuyên, ngoài việc nhận may các sản phẩm, như áo dài truyền thống, áo quần thời trang, đồng phục của các doanh nghiệp, trường học, chị Trang thường xuyên đến các nhà chùa để nhận đơn hàng áo quần dành cho các nhà sư, phật tử và trang phục đi lễ chùa của khách trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, kho hàng rộng trên 100m2 nằm trong khuôn viên xưởng may luôn chật cứng hàng hóa và vật dụng.

Chị Trang chia sẻ: “Nghề may đòi hỏi sự cần mẫn, tâm huyết và yêu nghề và cần có sự liên kết, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ đơn hàng để cùng nhau phát triển.

Để tạo dựng xưởng may như hiện tại, chị đã vận động hội viên không có tay nghề và việc làm ổn định về đào tạo nghề, sau đó nhận vào làm việc. Hiện nhiều thợ có mức thu nhập từ 9 - 10 triệu đồng/tháng”.

Thông qua nguồn hỗ trợ của các mạnh thường quân, chị Trang cùng các thành viên CLB Nhân Ái tổ chức “Bếp cơm 0 đồng” tại chùa Phật Quang, chùa Phước Vĩnh và Bệnh viện Trung ương Huế, mỗi tháng phát miễn phí từ 1.000 - 1.500 suất cơm chay cho người dân và bệnh nhân nghèo; trao hàng trăm suất quà cho người nghèo và phụ nữ khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Sau khi giành giải nhì cuộc thi PNKN năm 2019 do Hội LHPN tỉnh tổ chức với mô hình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, kỹ năng nuôi dạy con tốt cho phụ huynh trong thời công nghệ 4.0, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, hội viên Hội LHPN phường Hương Long được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, cho mượn vốn để phát triển mô hình với gần 100 triệu đồng.

Theo chị Thảo, các đề án PNKN được vào vòng chung khảo không chỉ nhận được sự hỗ trợ vốn của các cấp hội, mà còn là sân chơi bổ ích, là cơ hội tốt cho chị em thể hiện các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, được các chuyên gia tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, đồng thời được chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu mô hình khởi nghiệp của mình tới nhiều chị em khác.

Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo

Mô hình PNKN bắt đầu hình thành từ 2017 theo chủ trương của Trung ương Hội và Hội LHPN tỉnh, giai đoạn thực hiện từ 2017- 2023.

Năm 2018, Hội LHPN TP. Huế triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm vận động hội viên xây dựng các đề án khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời hình thành CLB PNKN với 27 thành viên; thành lập các mô hình tổ liên kết, hợp tác phát triển kinh tế với 99 mô hình.

Qua 3 năm triển khai, hiện có nhiều mô hình, đề án khởi nghiệp do các hội viên xây dựng đã phát huy giá trị và mang lại hiệu quả kinh tế cao, như đề án phát triển du lịch cộng đồng, dạy kỹ năng sống cho trẻ, du lịch homestay, may mặc, sản xuất bánh mì…

Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Huế Nguyễn Thị Thúy Ngân thông tin, từ khi triển khai mô hình PNKN, nhiều chị em hội viên đã mạnh dạn nghiên cứu, tham khảo các mô hình để xây dựng các đề án khởi nghiệp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế.

Sau khi tham gia các hội thi, các đề án đạt giải đều được tỉnh và thành phố hỗ trợ trên cơ sở cân đối nguồn lực, trong đó các đề án vào chung kết, đề án đạt giải được hỗ trợ vốn vay lãi suất ưu đãi từ quỹ hỗ trợ phát triển với mức 50 triệu đồng/đề án, thành phố cho mượn vốn với mức từ 10-30 triệu đồng/đề án từ  nguồn quỹ khởi nghiệp.

Chị Ngân cho biết, năm 2019, thành phố có 8 đề án tham gia, có 3 đề án đạt giải và được hỗ trợ vốn; năm 2020 đã tiếp nhận 8 đề án, dự kiến tháng 6/2020 sẽ tổ chức hội thi PNKN, chọn ra đề án đạt giải để hỗ trợ vốn.

Những đề án sau khi tham gia hội thi đều có ý tưởng hay, sáng tạo, phù hợp cho phụ nữ, có tính thời sự như bảo vệ môi trường, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống, sản xuất hàng may mặc, chế đồ ăn vặt…

Các đề án đạt giải năm 2019 đã phát huy hiệu quả, kêu gọi được nhiều nhà đầu tư, thu hút sự quan tâm của khách du lịch và người dân Huế.

Cùng với mô hình PNKN, nhiều năm qua, các hội viên đã tham gia xây dựng các mô hình tổ liên kết, hợp tác phát triển kinh tế, đến nay đã có 99 mô hình. Qua đó, giới thiệu các sản phẩm sạch, sản phẩm truyền thống, hữu cơ của các địa phương, như tổ liên kết sản xuất dầu phụng sạch tại phường Hương Long, hương trầm Phước Vĩnh, liên kết ươm trồng và cung cấp cây giống ở Tây Lộc, tổ hợp tác đúc bờ lô ở An Tây, sản xuất giá sạch và các loại bánh Huế ở Xuân Phú…

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG