Đồi Vọng Cảnh thơ mộng khi chiều về

Cần phát huy đúng giá trị

Chúng tôi trở lại ngọn đồi nằm ở phía tây nam TP. Huế này khi Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa chỉ đạo các cơ quan liên quan có phương án cải tạo, chỉnh trang lại toàn thể không gian này trở thành điểm vui chơi công cộng, phục vụ việc tham quan, ngắm cảnh sông Hương cho mọi người.

Từ dưới chân đồi, giáp với đường Huyền Trân Công Chúa, lối đường mòn nằm giữa cánh rừng thông dẫn lên tới đỉnh, nơi có góc nhìn sông Hương đẹp đến nao lòng chiều chiều luôn đón nhiều du khách tìm đến. Có người quá quen thuộc và yêu không gian này, nhưng cũng có người lặn lội lên đây bởi nghe tiếng mà tò mò. Nhưng tất cả cảm nhận chung, không gian này như một bức tranh.

Đang ngồi đọc sách giữa cánh rừng thông, ông Nguyễn Tấn Hoàng (50 tuổi, TP. Huế) thi thoảng ngắm xuống dòng sông Hương và hít thở không khí trong lành. Ông Hoàng kể rằng, tuổi thơ của mình từng được ba mẹ đưa lên đây dã ngoại, lớn lên vào đại học đây cũng là điểm vui chơi kỷ niệm của thời trai trẻ và giờ đây khi đã có tuổi, ngọn đồi Vọng Cảnh như một nguồn năng lượng giúp ông thư giãn.

“Sông Hương rất đẹp. Nhưng nếu được hỏi ngắm sông Hương, góc độ nào đẹp nhất tôi khẳng định đó là đồi Vọng Cảnh. Giờ đây, sau hơn chục năm cánh rừng thông này phát triển lại càng đẹp hơn, chiều chiều ngồi đây trời mát, không khí trong lành thấy lòng nhẹ nhàng” – ông Hoàng tâm sự và có phần tiếc nuối khi khu vực này chưa được khai thác hiệu quả, chưa thực sự hấp dẫn.

Cũng như ông Hoàng, nhiều người cho rằng, phải làm sao đó để không gian này trở nên đúng giá trị của nó là một công viên để người dân và du khách cùng ngắm cảnh, nghỉ ngơi, vui chơi. “Mọi thứ vẫn còn hoang sơ, đường đá nhấp nhô, dốc, nguy hiểm…”, ông Hoàng nói.

Đâu chỉ có ngắm cảnh?

Qua khảo sát thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, đồi Vọng Cảnh chưa được khai thác hiệu quả, chưa tạo nên sự hấp dẫn cũng như quản lý, sử dụng chưa phù hợp. Vì thế, đã yêu cầu có phương án cải tạo, chỉnh trang, tuy nhiên phải dựa trên nền cải tạo, bảo tồn, tôn tạo và phát huy được các giá trị sinh thái cảnh quan nơi đây.

Ông Thọ đề nghị các đơn vị liên quan sớm có phương án giải tỏa lấn chiếm đất công, làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về phương án sửa chữa, cải tạo các lô cốt để trở thành điểm khai thác dịch vụ. Tổ chức chỉnh trang cảnh quan như lót đá các tuyến đường, trồng hoa, bố trí thêm ghế đá, trồng thêm thông và hệ thống cây dọc đường kết nối đến công viên hoa để khu vực này trở thành điểm nhấn đặc sắc của đồi Vọng Cảnh…

TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế cho rằng, Vọng Cảnh, đúng như tên gọi là điểm cao có tầm nhìn đẹp, bao quát toàn bộ cảnh quan xung quanh. Sông Hương có hai khúc quanh đặc biệt, là nếp gấp thiêng liêng trong đời sống Huế cả về nghệ thuật cảnh quan truyền thống lẫn tư tưởng: Hà Khê - Long Thọ (chùa Thiên Mụ, đồi Long Thọ, Thành Lồi) và Hòn Chén-Vọng Cảnh.

Sông Hương phân định hai chốn thiêng nổi tiếng ở bờ Bắc và những đồi thông quanh năm vi vút ở bờ Nam, làm nên dáng vẻ, sắc thái riêng cho cảnh quan, dấu ấn văn hóa của Long Thọ, Vọng Cảnh. Chính nhờ vậy mà người Pháp trân trọng gọi Vọng Cảnh là Belvédère (vọng lâu).

Vọng Cảnh và những đồi cây đặc chủng là những lá phổi trong lòng và xung quanh TP. Huế - đô thị di sản đặc trưng. Tinh thần cốt lõi của tư tưởng hài hòa - thái hòa trong nghệ thuật cảnh quan cổ điển sẽ là nền tảng để kế thừa, phát triển đô thị di sản đặc trưng Huế thời hiện đại.

Khi nói về việc chỉnh trang, TS. Hằng cho rằng, cần được bảo tồn theo hướng giữ nguyên hệ sinh thái độc đáo từ cỏ cây, đất đá và nhất là chức năng Vọng Cảnh, đồng thời cộng hưởng vào những hoạt động văn hóa nghệ thuật phù hợp để Vọng Cảnh không chỉ là điểm nhìn mà thực sự là một không gian văn hóa nghệ thuật độc đáo của đất Cố đô.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH