Các gói hỗ trợ lãi suất cho DN chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được các ngân hàng triển khai . Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

“Mấy ngày nay con toàn bị ăn chửi trên điện thoại!”- Đình nói, khi ghé qua nhà tôi dùng cơm trưa. Gương mặt cậu nhân viên trẻ của một ngân hàng trên địa bàn TP. Huế đã trở nên chịu đựng. “Dư nợ cho vay đọng quá nhiều. Tụi con biết doanh nghiệp khó nhưng không thể không nhắc và đòi khi đến kỳ hạn. Nhiều khi làm xong phận sự của mình, phải bật chế độ loa ngoài và ngồi xa ra một chút kẻo ngột hết cả tai. Không biết khi mô mới qua đận COVID-19 ni để đỡ khổ!”…

Chuyện của Đình làm tôi nhớ vẻ âu lo của chị bạn. Chị kể con trai chị dạo này trở nên trầm tư, đôi khi là cáu bẳn hơn thường ngày. Nghề gì cũng bị ảnh hưởng hết - chị nói – nhưng nhân viên ngân hàng thì quá cực khi mọi thứ đang bị đình đốn. Không hẳn là cơm gạo quá thúc ép nhưng ngoài phần duy trì cuộc sống cho gia đình nhỏ, còn là trách nhiệm với cơ quan và con số nợ đang rất khó thu hồi.

Đó chỉ là 2, trong số rất, rất nhiều trường hợp khác đang phải chịu tác động kép và rủi ro kép bởi sự hoành hành của COVID-19. Đứng ở vị trí chịu lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp hiện đang rất chật vật để tìm kiếm các đơn hàng, duy trì hoạt động. Ngay cả khi phải tạm ngừng hoạt động, họ vẫn phải đối diện với các khoản lãi vay phải trả hàng tháng. Trong câu “không làm được lấy gì trả” mà Đình kể lại (tất nhiên đã lược đi vài từ khiếm nhã), có thể nhận ra cơn đau mà đối tác của cậu – đúng hơn là ngân hàng của cậu – đang phải gồng gánh mỗi ngày.

926.000 tỷ đồng là dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tính đến ngày 4/3 – số liệu được tổng hợp từ các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và con số này chiếm 11% tổng dư nợ. Trong khi đó, nếu như cùng kỳ này năm 2019, dư nợ của toàn nền kinh tế là 0,85% thì số dư nợ hiện tại chỉ tăng 0,1%.

Các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất (Ảnh minh họa)

Trung bình có 11.630 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do tác động của COVID-19 trong mỗi tháng của quý 1. Tính từ 1/2 đến 26/3, đã có hơn 153.000 người mất việc làm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là con số mà Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã thống kê. Dự báo của Bộ này cũng cho thấy, nếu tình hình không có thay đổi lớn, con số này trong quý 2 sẽ là trên 250.000 lao động mất việc làm và hơn 1,5 triệu lao động sẽ bị ngừng việc. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta gần như không biết trước dịch bệnh sẽ được kết thúc vào lúc nào, ngoài những nỗ lực đa chiều để chống chọi.

Một gói cứu trợ 285.000 tỷ đồng đến từ các ngân hàng thương mại đã được Chính phủ công bố vào cuối tháng 3, với khoảng hơn 10 ngân hàng đăng ký cung ứng, có lãi suất thấp hơn 0,5% - 1%. Mặc dù đã có không ít ý kiến về việc gói cứu trợ này khó đến được ngay với doanh nghiệp đang điêu đứng vì COVID-19, vì họ đang rất khó hoặc không thể chứng minh sẽ trả được nợ để vay mới, nhưng thông tin mà Vụ trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các ngân hàng đã cho vay khoảng 80.000 tỷ (30% gói tín dụng) cho 47.000 khách hàng, trong đó có cả các hộ nông dân.

Giảm lãi suất điều hành là điều mà Ngân hàng Nhà nước đã công bố và có hiệu lực kể từ ngày 17/3. Trong đó mức lãi cơ bản đã giảm từ 1-1,5%/năm. Đây là động thái được đánh giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc “giảm đau” và trợ lực cho các doanh nghiệp hiện đang còn chậm. Lý do còn phụ thuộc vào sức hấp thụ của doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đều đang chững lại vì COVID-19.

Một gói “giảm đau” khác là Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/4/2020 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong thời gian 5 tháng. Theo đó, Nghị định quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 8/4/2020. Theo thông tin từ báo Đầu tư, các gói giải pháp tiền tệ, tài khóa ước tính trị giá 330.000 tỷ đồng, tương đương gần 14 tỷ USD (hiện Thủ tướng đã chỉ đạo nâng lên mức 22 tỷ USD) cũng đã và đang thực hiện.

Những điều này được xem như là các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch như tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 10/4 vừa qua.

Bài: MINH HÀ - Ảnh: HOÀNG LOAN