Các bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong một bệnh viện dã chiến ở Thây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm qua, ông Hans Kluge - giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, châu Âu hiện vẫn đang bị cuốn vào tâm bão của đại dịch COVID-19, với số trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo chỉ trong 10 ngày qua đã tăng gấp đôi lên gần 1 triệu, trong đó, hơn 84.000 người dân ở châu lục này đã thiệt mạng vì COVID-19.

Trong số 10 quốc gia châu Âu có số ca nhiễm cao nhất, đã có một số dấu hiệu lạc quan khi số bệnh nhân đang có xu hướng giảm dần ở Tây Ban Nha, Italy, Đức, Pháp và Thụy Sĩ trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, ở những quốc gia khác, số người nhiễm bệnh thậm chí lại đang tăng lên, như ở Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Belarus và Liên bang Nga.

Cần hết sức thận trọng

Ông Kluge cho rằng, một vài tuần tới sẽ rất là thời điểm quan trọng đối với châu Âu và cần hết sức thận trọng khi xem xét việc nới lỏng các lệnh phong toả, trong đó điều bắt buộc là mọi người không được mất cảnh giác. Theo ông, trong bối cảnh các lệnh phong toả và giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 đang làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của người dân, các chính phủ và cơ quan y tế phải có giải pháp phù hợp để xác định thời điểm, điều kiện và cách thức chuyển đổi an toàn thông qua việc thay đổi dần dần các biện pháp kiểm soát.

Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh sự thận trọng khi dỡ bỏ các hạn chế về kinh tế và xã hội. “Nếu được thực hiện quá nhanh, chúng ta có thể làm sống lại các nguy cơ thậm chí còn tồi tệ hơn cả tình hình hiện tại”, ông cảnh báo.

Theo người đứng đầu WHO, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải kiểm soát sự lan truyền của dịch bệnh. Năng lực của hệ thống y tế cần được phát huy trong việc phát hiện, kiểm tra, cách ly, điều trị các ca nhiễm và theo dõi mọi tiếp xúc liên quan.

Hơn nữa, các rủi ro dịch bệnh phải được giảm thiểu ở những nơi đặc biệt, như các cơ sở y tế và viện dưỡng lão, và các biện pháp phòng ngừa cũng phải được áp dụng ở nơi làm việc, trường học và những nơi cần thiết đối với người dân, song song với việc quản lý chặt các rủi ro do mầm bệnh từ nhưng nơi khác mang đến.

Trong một động thái phản ứng với tình hình phức tạp của dịch bệnh, WHO tuần trước đã ra mắt Lực lượng đặc nhiệm chuỗi cung ứng của LHQ, phối hợp với Chương trình lương thực thế giới (WFP) và các đối tác khác. Đây là chuỗi cung ứng khẩn cấp được thiết kế để đáp ứng hơn 30% nhu cầu của thế giới trong giai đoạn nguy cấp của đại dịch, có trung tâm tại 8 quốc gia trên toàn cầu. Theo đó, hàng triệu vật tư sẽ được vận chuyển mỗi tháng, bao gồm đồ bảo hộ cá nhân, khẩu trang, thiết bị phòng thí nghiệm và oxy, cũng như nhân viên y tế và kỹ thuật. Chuyến bay đầu tiên đã cất cánh vào ngày 14/4 vừa qua.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters & UN)