Điện thoại reo, nhấc máy thì đầu dây nghe tiếng bà chị. Tưởng có việc chi, hóa ra dịch bệnh, chị gọi điện hỏi thăm mọi người xem có ai sứt mẻ gì chăng, rồi dặn tới dặn lui lo cẩn thận… Chị mần cả một tràng khiến tôi phải vất vả lắm mới có thể phanh mà xen vô đáp lễ:
- Rứa trong mình răng, mọi người an ổn cả chớ?
- Nhờ trời, an ổn cả. Mà chị nói thiệt, nhờ cái vụ cô vi cô vít ni mà chị khỏe hung…
Tôi ngẩn tò te chưa hiểu. Vậy là chị kể. Thì ra đức ông chồng của chị là một trong những đệ tử trung thành của con ma đề đóm. Ăn có thể không, nhưng ngày nào cũng phải có một vài con, mỗi con có khi chơi luôn vài “xị”, bao luôn vài “đài”. Chị và con cái đứa nào cũng ngán ngẩm. Khuyên lơn có, gây gổ có, nhưng không thể lay chuyển. Dịp này dịch bệnh, thực hiện chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ, các “đài” cũng ngừng phát hành, quay số. Vậy là ông chồng bó phép. Ngồi không cũng vô vị, ông quay qua làm việc nhà, xem ti vi. Tối ngủ thẳng giấc chẳng muộn phiền vì tiếc tiền do số trật … Dịp quá tốt, chị và con cái tranh thủ tỉ tê to nhỏ với hy vọng ông sẽ cắt cơn. “Kiểu ni 15 chứ 30 ngày tui cũng không phiền…”- Chị cười thoải mái trong máy.
Ai chứ ông chồng của chị thì tôi không lạ. Cách đây mấy năm, có dịp ra Huế ở lại nhà tôi có việc. Dò hỏi sao đó mà đầu giờ chiều, ông sai đứa cháu đi ghi rồi mang về cho ông một sớ. Thấy tôi nhìn nhìn, ông cười, xem như chuyện bình thường.
Đề đóm chẳng hiểu sao ma lực vô biên, lan khắp hang cùng ngõ hẻm, từ nam chí bắc. Người chơi vô kể mà người hành nghề cũng lắm lắm. Mấy chị bán vé số dạo ghi, người bán cà phê, giải khát ghi, thậm chí có người sửa xe, hớt tóc cũng làm thêm “nghề” ghi số đề, dần dà bỏ nghề sửa xe, hớt tóc chuyển sang ghi đề chuyên nghiệp. Nạn đề đóm gây ra vô số hệ lụy cho xã hội, nhà cửa tan nát, đạo đức băng hoại, trộm cắp gia tăng… dân tình kêu ca, phản ánh nhiều, báo chí điều tra, lên án cũng lắm, nhưng xem chừng không có mấy biến chuyển.
Tôi về nhà ngoại ở một phường của Hương Thủy, bà con bảo ở đây chơi đề… cả xóm. Nhà nội tôi ở Huế cũng thế, cứ chiều đến là đề rảo tới mời gọi, người từ nhiều hộ gia đình “auto” tập họp. Có những bà già trầu lưng đã còng, miệng đã móm mém, vậy mà thấy đề là phải ghi cho bằng được, tiền bạc con cái cho không dùng để ăn uống tiêu pha, ném hết cho ma đề mang đi không hẹn gặp. Con cái khuyên bảo không nghe, đôi lúc sinh hỗn. Tôi cũng từng để tâm theo dõi, thấy quả như phản ánh, đã từng báo trực tiếp với đồng chí công an khu vực với hy vọng sẽ có giải pháp. Buồn là sau cùng chẳng thấy gì, rất nản…
Rồi thật may, như trường hợp bà chị, dịp này thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, không cần nói, không cần phàn nàn, nạn đề đóm trong xóm cũng lắng xuống. Các gia đình nhiều tiếng cười hơn, các bà, các mệ cũng đỡ băn hăn bó hó do trật đề sinh tiếc của. Con cháu cũng nhân đó mà tranh thủ phân tích, khuyên lơn… Có người nói vui, nếu dịp này mà xua được con mà đề đóm, không khéo cả xóm phải nói lời cảm ơn với “Cô vy” mới phải đạo…
Thượng Bích