EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt thâm nhập thị trường EU. Ảnh: FT/VOV

Hiệp định EVFTA được cho là sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với Việt Nam, tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước phát triển năng lực xuất khẩu, đồng thời phản ánh sự thể chế hóa sâu sắc hơn các cơ hội xuất khẩu trong thời điểm thương mại toàn cầu bị hạn chế bởi cuộc khủng hoảng COVID-19.

Cơ hội thâm nhập thị trường EU

Theo một bài phân tích trên Diễn đàn Đông Á (EAF), EVFTA mang đến cho Việt Nam một nền tảng để tiếp tục đưa các doanh nghiệp trong nước thâm nhập thị trường EU. Hiệp định này gắn kết các công ty Việt Nam với các tiêu chuẩn châu Âu về nguồn cung ứng và quy trình sản xuất, có khả năng nâng cao chất lượng sản phẩm và độ tin cậy trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực để củng cố hình ảnh thương hiệu toàn cầu. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn của EU sẽ giúp các sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh bình đẳng hơn trên thị trường rộng lớn này.

Dữ liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy, xuất khẩu hàng năm của Việt Nam sang EU đã tăng gấp 10 lần trong hơn một thập kỷ qua - từ khoảng 4 tỷ USD năm 2005 lên hơn 41 USD năm 2018. Thị phần của Việt Nam trong tổng lượng xuất khẩu hàng năm của ASEAN sang EU tăng từ 5% vào năm 2005 lên đến 26% trong năm 2018 - trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu của ASEAN sang EU vào năm 2018. Theo đó, thặng dư thương mại hàng hóa xuất khẩu sang EU của Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, từ 1,87 tỷ USD năm 2005 lên hơn 28 tỷ USD năm 2018.

Sự gia tăng trong khối lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU và thặng dư thương mại nhấn mạnh vai trò chiến lược của EVFTA, trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam và tạo điều kiện tái cơ cấu công nghiệp bằng cách buộc các công ty phải đa dạng hóa danh mục sản phẩm và đẩy mạnh chuỗi giá trị.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời điểm hiện tại, Việt Nam cần nắm lấy hai ưu tiên chính: hội nhập sâu rộng với thị trường EU và biến EVTFA thành động lực cho những cải cách trong nước.

Để khai thác đầy đủ tiềm năng của EVFTA, Việt Nam phải giúp các doanh nghiệp trong nước củng cố thị phần ở EU bằng cách hiểu rõ hơn về thị trường và tiêu chuẩn kinh doanh của EU, nâng cao chất lượng, độ tin cậy của sản phẩm và áp dụng văn hóa đổi mới.

Đẩy mạnh các nhóm sản phẩm ưu tiên

Theo Diễn đàn Đông Á, những nỗ lực này nên được điều chỉnh để phù hợp với các nhóm sản phẩm ưu tiên, có thể thúc đẩy sự phát triển của quốc gia. Thông qua những tiêu chí xác định như tỷ lệ tổng xuất khẩu nội địa của nhóm sản phẩm sang EU, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nhóm sang EU trong 3 năm trước đó, tiềm năng và vai trò của nhóm sản phẩm trong sự phát triển lâu dài của quan hệ thương mại EU-Việt Nam, một số nhóm sản phẩm chiến lược mà Việt Nam nên nhắm đến trong nỗ lực tăng cường thương mại với EU có thể được kể đến gồm máy móc và các sản phẩm điện tử, đồ chơi và đồ thể thao, cá và hải sản chưa qua chế biến, giày dép, thiết bị hàng không, thiết bị quang học và y tế…

Tuy nhiên, một số nhóm sản phẩm chỉ mạnh về một số tiêu chí. Ví dụ, giày dép là nhóm sản phẩm lớn thứ 2 trong tổng giá trị xuất khẩu sang EU (4,86 tỷ USD) và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng xuất khẩu của ASEAN sang EU (64,5%) nhưng mức tăng trưởng trong 3 năm qua chỉ ở dưới mức 5%.

Trong khi đó, một số nhóm sản phẩm khác có tỷ trọng xuất khẩu khiêm tốn nhưng lại chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc gắn kết Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu về các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, ví như các thiết bị quang học, y tế và thiết bị hàng không. Do đó, các nhóm sản phẩm này phải là mục tiêu của các chính sách hỗ trợ đầu tư và áp dụng các tiêu chuẩn cũng như thông lệ quốc tế.

Rõ ràng, Việt Nam nên xem EVFTA như một động lực để cải thiện các điều kiện hướng tới mục tiêu phát triển. Theo đó, trước hết cần xác định mức độ mà Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về các biện pháp phát triển chính như an toàn sản phẩm, bảo vệ môi trường, tính minh bạch, hiệu quả của các chính sách và quản lý nền kinh tế kỹ thuật số. Những dữ liệu này sẽ cung cấp một lộ trình chiến lược giúp Việt Nam bắt kịp các tiêu chuẩn của EU trong vòng vài thập kỷ tới. Đây là một giải pháp thiết thực và có thể đạt được, nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam chuyển sang phát triển toàn diện vào năm 2045 - khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập.

Theo nhận định của Diễn đàn Đông Á, EVFTA chính là cơ hội để Việt Nam tạo dấu ấn lịch sử bằng cách thiết lập vị thế như một nhà tiên phong về kinh tế và phát triển trong làn sóng các quốc gia đang trỗi dậy của ASEAN.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ East Asia Forum)