Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan hải quan và việc các DN xuất khẩu gạo không nhận được đầy đủ thông tin về việc mở tờ khai xuất khẩu gạo, dẫn đến gây khó khăn cho DN.

Trước tình hình này, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương báo cáo về việc xuất khẩu gạo, trong có vấn đề khó khăn của DN khi phải mở tờ khai lúc nửa đêm.

Theo đó, Bộ Tài chính phải báo cáo cụ thể về quy trình, cách làm, danh sách các DN, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng DN đã đăng ký thành công trên hệ thống, công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này.

Bộ Công Thương phải báo cáo về việc triển khai các chỉ đạo của Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính.

Dự kiến, sau cuộc họp ngày 20/4, trên cơ sở ý kiến các bộ, cơ quan, DN, hiệp hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Báo cáo về vấn đề này, Tổng cục Hải quan khẳng định các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0h ngày 12/4. Đáng chú ý, trong số 39 DN đăng ký xuất khẩu có 4 DN từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng bán gạo với Cục Dữ trữ Nhà nước khu vực nhưng đã đăng ký xuất khẩu, đó là các DN: Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, Công ty CP XNK Thuận Minh, Công ty CP Mỹ Tường, Công ty TNHH Phát Tài.

Để giải quyết những vướng mắc, Tổng cục Hải quan nêu một số kiến nghị đề xuất về việc quản lý gạo xuất khẩu.

Cụ thể, đối với các lô hàng gạo hiện đang tồn tại cảng chưa xuất khẩu, Tổng cục đề nghị cho phép xuất khẩu các lô hàng gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24/3 nhưng chưa kịp đăng ký tờ khai hải quan trong tháng 4/2020 được xác nhận bởi DN, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan (theo phản ánh của Hiệp hội Lương thực Việt Nam là 146.453 tấn). Số lượng gạo xuất khẩu sẽ trừ vào hạn ngạch xuất khẩu.

Về quản lý hạn ngạch trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh COVID-19, cơ quan hải quan, Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo Chính phủ phê duyệt số lượng gạo được phép xuất khẩu (không bao gồm gạo nếp) và định hướng lộ trình, tiến độ xuất khẩu, trên cơ sở đó, giao Bộ Công Thương lựa chọn phương án tối ưu để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụ thể theo 1 trong 2 phương án.

Phương án 1: Bộ Công Thương tổ chức bán đấu giá hạn ngạch xuất khẩu gạo (tương tự như việc đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường đã và đang được Bộ Công Thương triển khai). Theo đó, Bộ Công Thương công bố công khai hạn ngạch gạo được xuất khẩu và chia thành các gói đấu giá. Các DN được phép tham gia đấu giá nếu đáp ứng 3 điều kiện.

Thứ nhất, đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Thứ hai, đã trúng thầu cung cấp gạo, đã ký hợp đồng và hoàn thành việc giao gạo cho Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.

Thứ ba, ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc đảm bảo cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.

Các DN đáp ứng các điều kiện nêu trên và được Bộ Công Thương thông báo DN đấu giá, cơ quan hải quan sẽ giải quyết thủ tục xuất khẩu theo quy định.

Phương án 2: Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các DN đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Nhưng khi áp dụng phương án 2, khi ban hành Quyết định phân bổ hạn ngạch xuất khẩu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cần thống nhất về thời điểm bắt đầu áp dụng để thông báo công khai cho các DN biết, thực hiện, bảo đảm công khai minh bạch và Tổng cục Hải quan có thời gian mở lại hệ thống.

Sau khi chấm dứt dịch bệnh COVID-19, các bộ, ngành liên quan cần đánh giá tình hình sản xuất lúa gạo trong nước, nhu cầu dự trữ quốc gia và tiêu dùng trong nước, nếu đảm bảo ổn định cung cầu thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các DN được tiếp tục thực hiện việc kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, không áp dụng quản lý bằng hạn ngạch xuất khẩu.

Cần có các biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm chính sách quản lý gạo xuất khẩu không thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến xuất khẩu gạo.

Về việc đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia, hiện nay theo quy định của Luật Đấu thầu, trường hợp nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký kết hợp đồng thì bị thu bảo đảm dự thầu từ 1% đến 3% giá gói thầu. Với mức quy định này chưa đủ ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu khi trúng thầu, do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu để bổ sung quy định chế tài xử lý đối với công tác đấu thầu.

Trước đó, Hiệp hội Lương thực (VFA) cũng đã ghi nhận việc các DN phản án có dấu hiệu “cạnh tranh chưa lành mạnh” trong giao dịch thương mại như khó khăn trong thuê bãi container, thuê tàu vì đây là một trong các điều kiện để thông quan và đặc biệt là một số thương nhân chào bán giá động đăng ký hạn ngạch.

Tổng cục Hải quan tạo cũng phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, thực hiện phân luồng xanh và luồng vàng cho các lô hàng đã sẵn sàng ở cảng khi khai báo hải quan để được thông quan nhanh chóng.

Về hạn ngạch 400.000 tấn, đại diện DN cho rằng, hàng container cần tiến hành kiểm hóa thực tế với các DN đã truyền tờ khai, kiểm tra số container, số seal thực tế của container hàng có đúng với số container, số seal đã được truyền qua mạng để mở tờ khai hay không.

Tùy thực tế có thể vừa kiểm tra và vừa xuất hàng thực tế bị tồn đọng tại cảng, vừa phát hiện được  khai báo khống nhằm giữ lượng hạn ngạch.

VFA cũng đề nghị chính Tổng cục Hải quan phải công khai minh bạch về thời gian mở hệ thống cho khai hải quan, có văn bản triển khai cụ thể để Cục Hải quan địa phương, Chi cục Hải quan cửa khẩu và thương nhận biết để thực hiện, tạo thuận lợi hơn cho DN.

Theo baochinhphu.vn