Ngày 18/4, Sở Du lịch tiến hành khảo sát, thu thập thông tin và đánh giá ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 gây ra đối với các doanh nghiệp (DN) du lịch, dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh.

Các chính sách cần sớm đến với DN

Tại các DN mà đoàn khảo sát, ghi nhận tình cảnh chung là tất cả đều đang rất khó khăn. Một số DN có nguồn lực lớn, đang còn duy trì trả lương cho nhân viên bằng khoảng 50%. Hầu hết các DN vừa và nhỏ, không nằm trong hệ thống các tập đoàn, buộc phải cho nhân viên thôi việc, hoặc tạm thời nghỉ không lương.

Lãnh đạo ngành du lịch lắng nghe những chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp du lịch

Ông Lê Xuân Phương, Giám đốc Công ty CP Du lịch DMZ cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội đến nay, doanh thu của DN giảm trên 80%, nhân sự tạm thời nghỉ việc theo nguyện vọng đến 79%.

Tại Khách sạn Hương Giang, kể từ ngày 11/4 vừa qua, vì quá khó khăn nên khách sạn chỉ giữ lại các cán bộ cốt cán, nhân viên đang trong thời kỳ thai sản, tương đương khoảng 15% tổng nhân sự của khách sạn. Những người được giữ lại cũng chỉ nhận 50% lương so với trước đó.

Trong khi đó, ông Nguyễn Châu Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lữ hành Hương Giang thông tin, hiện nay các đối tác quốc tế chưa có thông tin về lượng khách bắt đầu trở lại. Chỉ có riêng đối tác ở Thái Lan xác nhận, nếu tình hình dịch bệnh sớm kiểm soát, trong tháng 7/2020 sẽ có tour đưa khách Thái sang Huế.

“Qua nghiên cứu thị trường, công ty xác định, sau dịch bệnh sẽ tập trung khai thác dòng khách nội địa trước, nhất là khách ở hai đầu và đẩy mạnh khách nội tỉnh đi du lịch. Nâng cao chất lượng dịch vụ, từ sản phẩm đến hướng dẫn viên, vận chuyển… cùng với đó là tăng thêm các gói giảm giá, khuyến mãi sẽ được công ty áp dụng để thu hút khách”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Qua nắm bắt tình hình, hầu hết các DN trên địa bàn đều mong muốn cơ quan Nhà nước xem xét nới lỏng dần việc đóng cửa khách sạn, nhà hàng và hạn chế hoạt động tùy vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của địa phương. Đây là điều kiện để các DN có cơ hội bắt đầu hoạt động trở lại, giữ chân những nhân sự có chuyên môn cao. Tỉnh có những chỉ đạo để những chính sách thiết thực hỗ trợ DN và người lao động, như có các gói tín dụng cho vay với lãi suất 0% để trả lương nhân viên, giảm lãi suất ngân hàng, miễn giảm thuế, điện nước… sớm đến với DN.

Theo DN, bản thân các DN sẽ tự vận động thu hút khách bằng các chính sách riêng. Do đó, quan trọng là những hỗ trợ bằng các gói kích cầu chung, làm mới nội dung quảng bá điểm đến theo những xu hướng thay đổi do tác động của dịch bệnh; có nhiều hình thức hỗ trợ DN tham gia hoạt động xúc tiến du lịch tại những hội chợ, sự kiện du lịch ở trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Lạc quan vào "hậu dịch"

Nhiều doanh nghiệp tận dụng khoảng thời gian này để chỉnh trang cơ sở vật chất, nhằm phục vụ khách tốt hơn sau dịch 

Ông Lê Xuân Phương cho rằng, hiện tại, không thể ngồi yên chờ đến khi hết dịch bệnh mới mở hoạt động kinh doanh, mà tận dụng thời gian này, DN triển khai nhiều công tác để đón đầu sau khi hết dịch, như nâng cấp cơ sở vật chất của quán bar DMZ, nhà hàng Little Italy và khách sạn DMZ; thực hiện các thực đơn, gói sản phẩm mới để thu hút khách du lịch; thu gọn các bộ phận, phòng ốc để giảm chi phí.

Tại Khách sạn Alba Spa và Alba Hotel, bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc điều hành khách sạn cho biết, sau khi đóng cửa các cơ sở lưu trú, khách sạn đã chuyển qua loại hình kinh doanh trực tuyến với nhiều menu (thực đơn) hấp dẫn. Khách sạn tranh thủ dịp này tái cơ cấu cơ sở hạ tầng, đặc biệt không có bất kỳ nhân viên nào nghỉ việc, mà luân phiên tham gia các khóa tập huấn nội bộ về các kỹ năng mềm do khách sạn tổ chức.

Theo bà Mai, quan điểm của khách sạn xem đây là cơ hội, không phải để thanh lọc nhân sự, mà là thanh lọc, điều chỉnh những “hạt sạn” là yếu điểm chưa tốt của các nhân viên bằng các buổi tập huấn kỹ năng, từ đó sẽ nâng cao hơn chuyên môn cho công việc sắp tới khi hết dịch bệnh.

Sau khi khảo sát, ông Lê Hữu Minh cho hay, một điều rất đáng kỳ vọng là trong giai đoạn khó khăn này, nhiều DN đã biến cái khó thành cơ hội để tái cơ cấu lại hoạt động, nâng cấp, sửa chữa cơ sở và đặc biệt chủ động cho tâm thế đón đầu cơ hội kinh doanh mới sau dịch.

“Ngành du lịch đặt mục tiêu, từ đợt khảo sát, đánh giá một cách toàn diện này, giúp ngành du lịch thấy được bức tranh toàn cảnh chính xác về dịch bệnh. Trên cơ sở đó, Sở Du lịch sẽ tham mưu UBND tỉnh và các cấp cao hơn các chính sách về an sinh xã hội, các chính sách khôi phục hoạt đông sản xuất. Đặc biệt, từ thực tiễn, ngành sẽ xây dựng ngay đề án khôi phục du lịch sau dịch, một các chủ động nhất có thể”, ông Lê Hữu Minh khẳng định.

Riêng về định hướng thị trường, ngành du lịch khẳng đinh, trước tiên du lịch Huế sẽ hướng đến thị trường nội địa vì có khả năng khôi phục nhanh. Sau đó là các thị trường quốc tế gần với Việt Nam như Lào, Thái Lan. Các thị trường xa hơn, khả năng phục hồi cuối năm 2020 đầu năm 2021. Việc xác định thị trường, thời gian phục hồi cũng được xác định sẽ giúp Huế xây dựng những sản phẩm phù hợp.

Trong đợt điều tra lần này, Sở Du lịch tiến hành khảo sát gần 850 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (lữ hành, vận chuyển, lưu trú, các cơ sở dịch vụ) trên địa bàn toàn tỉnh. Nội dung điều tra chủ yếu tập trung vào tình hình thiệt hại của đơn vị (lượng khách, doanh thu…); đề xuất những chính sách hỗ trợ và các giải pháp khắc phục, phục hồi của DN sau dịch bệnh COVID-19.

Bài, ảnh: Đức Quang