Bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Italy. Ảnh: Reuters/TTXVN

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất khi có hơn 788 nghìn người dương tính với virus SARS-CoV-2, và số ca tử vong chỉ ở riêng nước này đã lên tới hơn 42 nghìn người, chiếm gần ¼ tổng số tử vong của cả thế giới. Tiếp ngay sau Mỹ, Tây Ban Nha có số ca nhiễm đã vượt mốc 200 nghìn người, với 20.852 trường hợp tử vong. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở Pháp cũng đang rất căng thẳng khi số ca tử vong ở nước này tính đến nay đã vượt mốc 20 nghìn người.

Trong một tín hiệu lạc quan hơn, Italy hôm qua (20/4) đã báo cáo lần sụt giảm đầu tiên số người hiện đang nhiễm COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở nước này hồi tháng 2/2020, với tổng số 181.228 người mắc bệnh, trong đó có 24.114 trường hợp tử vong. 

“Lần đầu tiên, Italy chứng kiến ​​một sự phát triển tích cực mới khi số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 hiện tại đã giảm, và số người được điều trị tích cực cũng giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng qua”, ông Angelo Borrelli - giám đốc Dịch vụ Bảo vệ Dân sự Italy nói với phóng viên.

Đơn vị này cho biết, hiện có 108.237 người đang được điều trị tại bệnh viện hoặc đang hồi phục tại nhà sau khi xét nghiệm dương tính với virus Corona mới - ít hơn 20 trường hợp so với tổng số ca bệnh được ghi nhận một ngày trước đó. Điều này cho thấy những lợi ích sức khỏe trực tiếp đầu tiên của việc phong toả nghiêm ngặt vốn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất châu Âu bởi dịch COVID-19.

Tuy nhiên, hầu hết các bác sĩ ở Italy tin rằng số ca tử vong và nhiễm bệnh ở nước này có thể cao hơn nhiều so với báo cáo chính thức khi những người chết tại nhà hoặc tại các cơ sở chăm sóc không được tính đến, và một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất chỉ tiến hành xét nghiệm đối với những bệnh nhân bị bệnh nặng nhất.

Mặc dù vậy, sự suy giảm số lượng các ca nhiễm chính thức hiện nay vẫn đánh dấu một điểm dữ liệu quan trọng để chính phủ Italy có thể cân nhắc về những hạn chế nào cần được dỡ bỏ hoặc gia hạn khi lệnh phong toả hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 4/5 tới.

Ngoài ra, tác động kinh tế và tâm lý từ việc phong toả trong vòng 6 tuần của Italy cũng rất khó để định lượng.

Theo một ước tính được công bố vào cuối tuần qua, một nửa lực lượng lao động chính thức của nước này, tương đương 23 triệu người, đang phải tìm kiếm viện trợ của chính phủ vì bị sa thải hoặc thất nghiệp.

Các nhà khoa học cũng được cho là đang thúc đẩy chính phủ tiến hành các bài kiểm tra tâm lý trên một nhóm dân số để xác định xem người dân có thể ở trong nhà bao lâu. Tờ Corriere della Sera cho biết, Thủ tướng Giuseppe Conte sẽ công bố một bộ hướng dẫn xã hội mới trong tuần này, trong đó có thể bao gồm các bài kiểm tra tâm lý nói trên.

Italy đã tiến hành các lệnh hạn chế nghiêm ngặt từ nửa đầu tháng 3, theo đó, 60 triệu công dân nước này bị cấm đi bộ vượt quá 200 mét tính từ nhà của họ mà không có lý do quan trọng. Trong bối cảnh đó, các báo cáo về tình trạng bạo lực gia đình đã gia tăng và các nhà khoa học cũng lo lắng về tác động của biện pháp cách ly này đối với người già và những người dễ bị tổn thương.

Được biết, Chính phủ Itlay hiện đang bàn thảo về các biện pháp để có thể dỡ bỏ yêu cầu ở nhà và mở cửa lại các doanh nghiệp, trong khi vẫn chưa có vaccine hoặc thuốc chữa bệnh COVID-19.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)