Giáo viên Thừa Thiên Huế dạy trên sóng truyền hình

Áp lực trước ống kính

Thừa Thiên Huế có 50 giáo viên tham gia dạy trên truyền hình ở các bộ môn. Họ đều hội tụ các yếu tố giỏi về chuyên môn, có kinh nghiệm lâu năm trong nghề và có kỹ năng sư phạm tốt. Quan trọng hơn, các bài giảng đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, thiết kế theo chuẩn kiến thức của khung chương trình giáo dục hiện hành, đáp ứng trình độ cho học sinh từ thành phố đến nông thôn.

Những ngày đầu lên sóng, giáo viên được “chọn mặt, gửi vàng” đối mặt với nhiều áp lực. Đằng sau chiếc camera là hàng triệu ánh mắt dõi theo của học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp. Đa số lần đầu tiên tiếp xúc dưới ánh đèn trường quay nên họ không khỏi bỡ ngỡ. Nhiều người có thâm niên trong nghề nhưng vẫn chưa đủ tự tin để giảng bài trước ống kính. Giáo viên dễ rơi vào trạng thái “độc thoại”, thế nên, nếu không chuẩn bị kỹ, người dạy dễ “lướt” giáo án.

Cô giáo Lê Thị Hồng Giang, Trường THPT Chu Văn An, TP. Huế, chia sẻ: “Dạy trên lớp, chúng tôi biết được sức học và tâm tư nguyện vọng của từng em nên dễ dàng bổ sung kiến thức. Trái lại, khi lên truyền hình dạy học không chỉ cho học trò của mình mà học sinh toàn tỉnh, thậm chí toàn quốc và còn có các đồng nghiệp, phụ huynh… Cho nên, từng lời nói luôn phải cố gắng thật sự chuẩn xác”.

Dạy học trên truyền hình luôn được đầu tư nhiều và huy động sự tham gia góp ý của tập thể. Trước buổi ghi hình đều có tổ tư vấn tham gia thẩm định nội dung, giám sát, bảo đảm không sai sót về kiến thức. Bài giảng có sự cân đối vừa phải giữa kiến thức và thời lượng để tránh nhàm chán vì nội dung đơn điệu, hoặc quá tải về kiến thức. Ngay việc chọn khung giờ, môn học đều được tính toán, cân nhắc thận trọng, vừa tạo hứng thú cho học sinh cũng như tiện quản lý học tập ở nhà của con cái cho phụ huynh.

Giáo viên lên sóng truyền hình không chỉ vững chuyên môn mà còn phải luyện tập phong cách diễn đạt để học sinh tiếp thu bài hiệu quả tốt nhất. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hường, giáo viên Trường THPT Hai Bà Trưng, cho hay: Chúng tôi phải biên soạn lượng kiến thức cô đọng nhất, dễ hiểu nhất. Thời lượng một bài giảng ngắn nếu nói lan man học sinh sẽ khó tiếp thu.

Tạo hứng thú cho học sinh

Nhiều giáo viên cho rằng, bí quyết để có giờ dạy trên truyền hình tốt là phải thiết kế giáo án phù hợp với mỗi chương trình. Giáo viên phải có kỹ năng sư phạm cũng như kỹ năng làm việc nhóm. Các tổ chuyên môn cũng phát huy điểm mạnh của mỗi giáo viên để chọn bài phù hợp, trao đổi, phân tích từng ý nhỏ nhất để hoàn thành tốt bài dạy. Điều không thể thiếu khi dạy trên truyền hình là giáo viên phải tự tin, phát âm tốt, bình tĩnh trước ống kính; giọng nói và phương pháp giảng bài phải thu hút, lưu loát, tự nhiên, nhất là hạn chế dùng từ địa phương.

Trong quá trình thực hiện, ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động xây dựng các phương án khắc phục như học sinh không tương tác được với giáo viên qua chương trình dạy học truyền hình, giáo viên ngại khi lên sóng truyền hình, học sinh một số vùng không tiếp được sóng truyền hình TRT… Qua đó, ngành yêu cầu giáo viên ở các trường đều theo dõi bài học qua truyền hình và tổ chức các lớp học trên các phần mềm, giải đáp thắc mắc của học sinh…

Dù dạy trên truyền hình đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng khi học sinh trở lại học bình thường, các trường sẽ tiếp tục thực hiện bài giảng theo đúng chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Riêng với những em chưa có điều kiện để học chương trình truyền hình sẽ được bổ sung kiến thức. Chủ trương của ngành giáo dục là tuyệt đối không để học sinh nào phải bỏ học vì lý do không được học trong thời gian phải ở nhà dài ngày do điều kiện học chưa đáp ứng.

Giáo viên dù có nỗ lực nhưng học trên truyền hình chỉ đạt yêu cầu khi học sinh tự học tốt, tự làm các bài tập phù hợp với nội dung đã được ôn tập. Điều đó, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức học tập của học sinh. Lời khuyên của giáo viên dành cho các em là trước mỗi buổi học nên xem bài trước cũng như chủ động chuẩn bị các phương tiện phục vụ học tập một cách tốt nhất.

Bài, ảnh: Huế Thu