Buổi sáng ngày chủ nhật trời âm u chuyển mưa và buổi chiều thì mưa đến thật. Ngồi nhà nhìn mưa rơi, lòng bỗng lo thấp thỏm, bởi lẽ trong những ngày dịch bệnh hoành hành này thì trời mưa với nhiệt độ thấp là thêm một điều kiện cho virus Corona sống lâu hơn. Nếu trời nắng, nhiệt độ trên 28 độ C thì ánh nắng mặt trời cũng góp phần tiêu diệt virus.
Mưa và gió kéo dài suốt đêm chủ nhật.
Ngày thứ hai nhận được điện thoại của một người bạn ở Phú Lộc, giọng bạn buồn buồn “Trời cho chộ mà không cho ăn rồi, mấy sào lúa của ba mình vừa vào “cúi xanh”, chỉ còn một tuần-mười ngày nữa là gặt, trận mưa gió chiều và đêm chủ nhật đã làm lúa rạp gần hết”. Tôi cũng nghẹn ngào theo lời của bạn. Nghề nông vất vả và cả bấp bênh. Con người chỉ có thể chế tạo máy móc để giảm bớt sức lao động trên ruộng đồng hay sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu để chăm sóc và bảo vệ mùa màng tốt hơn nhưng không thể nào ngăn được mưa gió hay bão lũ.
Gọi điện thoại cho một lão nông là bà con trong họ hỏi thăm về ruộng lúa năm ni, tiếng lão trầm ngâm: “Tuần trước ôn mới đi thăm ruộng, lúa ngậm hạt đã cúi đầu, chỉ còn chờ khoảng mười ngày, nửa tháng nữa là gặt. Ôn đang lo dịch bệnh phải thực hiện giãn cách xã hội như thế này chẳng biết nhờ ai đi gặt giúp, thế mà trận mưa gió đêm qua đã làm lúa đổ rạp khá nhiều. Đi thăm đồng mà đau lòng lắm con ơi”.
Có được hạt lúa về nhà đúng là một nắng hai sương. Bây giờ làm ruộng có máy móc, có phân bón, có máy bơm nước... người làm nông không tốn nhiều công như ngày trước nhưng chắc chắn cái tình dành cho cây lúa thì không hề khác. Lúa có phân tro nhưng cũng cần công người chăm sóc, thăm ló ngó đồng.
Tiếng người bà con như có vui lên khi nói về cây lúa “cúi xanh”, tức là giai đoạn bông lúa đang vào thời kỳ hạt dần căng tròn, từng ngày càng trĩu nặng nên bắt đầu cúi xuống, vì hãy còn xanh nên gọi là “cúi xanh”. Với người làm nông, lúc nào lúa ở trong bao, trong bồ và được chằng đậy cẩn thận thì lúc đó mới xong một vụ mùa. Thế cho nên dù có nhìn thấy lúa chín vàng trên cánh đồng mà hạt lúa chưa “yên vị” trong nhà thì lòng người vẫn còn thấp thỏm lo âu, vẫn chưa thể yên cái bụng được.
Tôi cũng đã từng ngắm cánh đồng lúa trong mùa trổ đòng vào những buổi sáng mai. Thật sảng khoái khi hít căng lồng ngực làn không khí mát mẻ, trong lành và nhận ra trong đó một mùi thơm thật dịu nhẹ của cây lá. Rồi cũng từng ngắm những cánh đồng lúa chín vàng, hít thật sâu cái mùi lúa chín thơm ngọt. Nhìn những bông lúa hạt tròn mẫm kéo cả nhành xuống thấp, luôn nhớ lời dạy của cô giáo dạy văn “Những người càng hiểu biết thì càng phải khiêm tốn như cây lúa, càng nặng hạt càng cúi đầu”.
Từ những ngày còn thơ bé, ba mạ tôi đã luôn dạy rằng “hạt cơm là hạt ngọc của trời, không được phung phí, khi ăn cơm phải ăn hết cơm trong chén, không được để sót lại”. Bây giờ lớn lên, đi nhiều, gặp nhiều lão nông, trò chuyện về mùa màng tôi càng hiểu hơn vì sao lại nói “hạt cơm là hạt ngọc của trời”! Đó là công sức của bao người góp lại để cho ra nguồn lương thực nuôi sống con người.
Bây giờ người nông dân đều trồng lúa giống mới, chỉ khoảng ba tháng rưỡi là thu hoạch. Ngày trước, phải trồng bốn đến năm tháng, mà năng suất lại thấp. Huế từng có loại gạo hẻo rằn, hạt gạo có màu sọc đỏ, rất ngon cơm. Nhưng dù có trồng giống lúa gì thì cây lúa cũng luôn “cúi đầu” như một lời tri ân khi nhận nhiều dưỡng chất từ đất đai và tình yêu thương của con người.
Mùa lúa cúi xanh, cầu mong mọi sự bình an đến với mọi nhà, mọi người trong những ngày đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng tránh dịch bệnh lây lan này.
Xuân An