Nhiệt độ có khi đo được trên 43 độ C. Mới đầu mùa khô năm nay, tình hình nắng nóng, khô hạn có hiện tượng đến sớm và được dự báo cực đoan trong những tháng tới khiến nhiều nơi thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và một số vùng dân cư lấy nước sinh hoạt.

Theo thống kê, Thừa Thiên Huế hiện có nguồn tài nguyên nước thuộc loại phong phú so với cả nước, với tổng trữ lượng nước trên lưu vực các con sông chính vào khoảng hơn 5,2 triệu m3/năm.

Cùng với đó, việc triển khai xây dựng các hồ chứa nước, đập dâng giúp tăng cường khả năng tích nước tự nhiên, giữ nước cho mùa khô với tổng nguồn nước dự trữ rất lớn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 6 hồ thủy điện đưa vào vận hành sử dụng với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3 nước, trong đó hồ Tả Trạch và Hương Điền là công trình hồ chứa nước quan trọng đặc biệt quốc gia.

Mặc dù có nguồn tài nguyên nước phong phú, nhưng do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, cộng với sự phân bố không đồng đều theo thời gian, có tới 80% lượng nước tập trung trong 2 tháng mùa mưa gây ra lũ lụt, 20% lượng nước còn lại trong mùa khô không đủ dùng gây nên tình trạng hạn hán.

Thêm một yếu điểm đối với hệ thống sông ngòi ở Thừa Thiên Huế là vào mùa hè mực nước thường xuống thấp nên nước sông vùng hạ lưu thường bị nhiễm mặn ảnh hưởng đến nhu cầu sản xuất và đời sống. Chỉ duy nhất sông Hương có đập ngăn mặn Thảo Long và đập Cửa Lác trên nhánh sông Ô Lâu cơ bản giải quyết được tình trạng ngăn mặn.

Những tác động trên đã làm cho nhiều vùng dân cư sống ven biển, đầm phá thường bị thiếu nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt trong các tháng mùa hè từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Vì thế, nếu không có nguồn dự trữ đúng mức, nguy cơ thiếu nước sẽ ở mức khá nghiêm trọng.

Thời gian qua, tỉnh tập trung ưu tiên thực hiện xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông lớn, quan trọng; điều hòa phân phối nước, bảo đảm an ninh về nước cho khu vực thượng lưu và hạ du, hạn chế việc khai thác nước ngầm, bảo vệ nước dưới đất ở đô thị.

Địa phương đã phối hợp hoàn thiện việc xây dựng cơ chế quản lý các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhằm sử dụng hợp lý nguồn nước vào việc phát triển kinh tế, du lịch, bảo vệ môi trường và cải thiện, nâng cao đời sống người dân xung quanh lòng hồ, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và cắt, giảm lũ vào mùa mưa cho vùng đồng bằng... Đồng thời, trồng và bảo vệ các loại rừng, phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn để ổn định vai trò giữ nước vào mùa khô và ngăn lũ ống, lũ quét vào mùa mưa.

Cùng với việc thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh nước phục vụ sản xuất, công tác cấp nước sinh hoạt được đầu tư từ các nguồn lực, góp phần nâng tỷ lệ cấp nước hợp vệ sinh đến cuối năm 2019 trên toàn tỉnh đạt 100%.

Với hệ thống 67 nhà máy cấp nước sạch và công trình cấp nước tập trung toàn tỉnh có công suất thực tế hoạt động 233.170m3/ngày đêm, tỷ lệ cấp nước sạch (theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế) cho người dân vùng nông thôn đạt 85%; tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước sạch đạt 78%. Đến nay, không có xã nợ chỉ tiêu 17.1 thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN