Cuộc sống ngưng trệ, sản xuất đình đốn, lưu thông bị gián đoạn, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy… là những tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Theo các chuyên gia kinh tế, những tác động của đại dịch thậm chí còn tồi tệ hơn cuộc đại suy thoái năm 1929 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nhắc điều này để thấy, trong bối cảnh chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch sẽ có nhiều thách thức trong việc khôi phục lại nhịp sống hàng ngày cũng như phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Việc dừng các biện pháp cách ly xã hội chỉ là bước khởi đầu, còn hoạt động thế nào, phát triển ra sao lại là thách thức không nhỏ đối với từng quốc gia, từng doanh nghiệp và ngay cả người lao động.

Với Thừa Thiên Huế, được xếp vào nhóm nguy cơ thấp nên về cơ bản các lĩnh vực, dịch vụ không thiết yếu cũng được phép hoạt động trở lại. Tỉnh cũng đã ban hành danh mục các dịch vụ được phép hoạt động có kiểm soát, những dịch vụ chưa được phép hoạt động để người dân chủ động trong việc khôi phục hoạt động và có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Tuy nhiên, để khôi phục sản xuất, đời sống xã hội trong bối cảnh “sống chung” với đại dịch toàn cầu, ngoài các giải pháp mang tầm vĩ mô của Chính phủ, sự đồng hành của chính quyền, các doanh nghiệp cần sự chuyển dịch cơ cấu, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến dịch bệnh chung của toàn cầu.

Thực tế, các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh đa phần sản xuất phục vụ xuất khẩu, như dệt may, chế biến gỗ. Việc ngừng việc, giãn việc của các doanh nghiệp thời gian qua không phải do giãn cách xã hội mà chủ yếu do thiếu nguyên liệu và ngừng các đơn hàng từ phía đối tác nước ngoài. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp toàn cầu, chưa biết khi nào mới khôi phục được các đơn hàng do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Trong khi đó, thị trường nội địa khoảng 100 triệu dân với sức tiêu thụ ngày càng lớn cũng là thị phần hấp dẫn không thể bỏ qua.

Thực tế thời gian qua, với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, không ít doanh nghiệp thành công với thị trường nội địa. Ngay cả thời điểm diễn biến dịch phức tạp, nhiều doanh nghiệp kịp thời chuyển hướng sang ngành công nghiệp sản xuất thiết bị y tế vừa phục vụ nhu cầu trong nước, vừa xuất khẩu, giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn nhất.

Điều cũng đáng nghi nhận trong mùa dịch là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào mọi mặt đời sống xã hội, đem lại hiệu quả tích cực như giao dịch điện tử, làm việc online. Đây chính là tác phong làm việc mới cần có không chỉ trước mắt mà cả tương lai.

Hoàng Minh