Bà mẹ và trẻ em phải đối diện nhiều nguy cơ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: Getty
Một nghiên cứu từ The Lancet Global Health cho thấy, các quốc gia nghèo ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh nếu không nhanh chóng được hỗ trợ thêm các loại thuốc men, trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ và các sự hỗ trợ cần thiết khác, các khu vực này có thể phải chứng kiến 1,2 triệu trẻ em và 57.000 bà mẹ tử vong trong vòng 6 tháng tới.
Các tác giả tham gia nghiên cứu cho rằng, "nếu việc chăm sóc sức khỏe định kỳ bị gián đoạn - do những cú sốc không thể tránh khỏi, sự sụp đổ của hệ thống y tế hoặc những lựa chọn có chủ đích để đối phó với đại dịch, sự gia tăng tình trạng tử vong ở bà mẹ và trẻ em sẽ rất nghiêm trọng". Trong khi đó, ông Muhammad Ali Pate, Giám đốc toàn cầu về sức khỏe, dinh dưỡng và dân số tại Ngân hàng Thế giới cũng nhận định, sự bùng phát dịch COVID-19 trên toàn cầu "có thể đảo ngược những tiến bộ trong hàng thập kỷ qua".
Hiện tại, châu Âu và Bắc Mỹ đang đối mặt với những gánh nặng từ đại dịch, với khoảng 2 triệu ca mắc COVID-19 trong tổng số 2,6 triệu người nhiễm bệnh trên thế giới. Tuy nhiên, các lệnh phong toả đang có xu hướng làm chậm sự lây lan của dịch bệnh ở các lục địa này, trong khi virus SARS-CoV-2 vẫn đang gia tăng ở nhiều nơi khác.
Tại châu Phi, trong tuần trước, số ca nhiễm đã chứng kiến sự gia tăng đến 43%, số ca tử vong liên quan đến COVID-19 cũng tăng 38%, dựa trên báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO vào hôm qua (23/4). Cụ thể, đã có hơn 15.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và hơn 700 trường hợp tử vong ở 45 quốc gia châu Phi, tương đương tỷ lệ tử vong khoảng 5%.
Nhiều tác động nghiêm trọng
"Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 vẫn đang gia tăng trên toàn thế giới, sự sống của phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ có nguy cơ bị đe doạ nghiêm trọng do tình trạng căng thẳng, thậm chí quá tải, của hệ thống chăm sóc sức khỏe", ông Stefan Peterson, Giám đốc y tế toàn cầu của UNICEF nhận xét.
Các cơ sở y tế hiện có - từ các phòng khám nông thôn cho đến bệnh viện ở các siêu đô thị - và thuốc men, trang thiết bị để đối phó với tác động của đại dịch chỉ được tính bằng tuần hoặc bằng tháng, các chuyên gia cho biết.
Trong bối cảnh đó, một trong những mục tiêu quan trọng phải là "bảo vệ các chương trình tiêm chủng thường xuyên có thể bảo vệ mạng sống con người trong quá trình đối phó và phục hồi hậu COVID-19", nhằm chống lại bệnh sởi, quai bị, thương hàn, bạch hầu và hàng tá bệnh có thể phòng ngừa khác, ông Seth Berkley, CEO của Liên minh vaccine Gavi lưu ý.
Ngoài ra, những phụ nữ nghèo và gia đình họ cũng có thể phải chịu những tác động từ suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc giảm 1% trong GDP bình quân đầu người tương ứng với mức tăng 0,3% về tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, trong đó các bé gái có nguy cơ bị ảnh hưởng cao gấp đôi so với bé trai.
Trước đó, WHO cũng cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 có nguy cơ làm gián đoạn nghiêm trọng việc tiếp cận với thuốc men và mạng lưới chống sốt rét ở châu Phi hạ Sahara, nơi xảy ra 95% số trường hợp sốt rét.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP)