Nông dân Phong Điền thu hoạch lúa đông xuân

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Nhà nông học, TS. Lê Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế.

Với gần 40 năm bám ruộng đồng và đang hỗ trợ giúp nông dân một số địa phương về công tác giống, TS. Lê Tiến Dũng cho rằng, tại Thừa Thiên Huế thời gian qua xảy ra nhiều “biến cố” về khí hậu: nắng nóng, khô hạn, nhiễm mặn, mưa gió... ảnh hưởng rất lớn đến các loại cây trồng.

Việc cây sắn bị bệnh virus khảm lá; lúa bị đổ sau mưa... là do những yếu tố thời tiết bất lợi tác động. Các loại bệnh trên cây lúa xuất hiện nhều ở các tỉnh Bắc miền Trung và miền Bắc. Bệnh khảm lá và các loại bệnh khác trên cây sắn; bệnh đạo ôn, khô vằn,... trên cây lúa xuất hiện nhiều là nhân tố gây ra tổn thất đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các trận mưa dông, lốc đã làm gãy đổ cây lúa sẽ gây thiệt hại lớn đến năng suất lúa trong vụ đông xuân.

Trước những tác động của khí hậu thời gian vừa qua, nông dân rút ra những bài học gì, thưa ông?

Ông cha ta có câu: "Đói thì ăn ngô, ăn khoai/đừng thấy lúa trổ giêng hai mà mừng..." đúc rút kinh nghiệm hàng đời để răn dạy, cần nghiêm khắc bố trí thời vụ trong sản xuất nông nghiệp.

Do vậy, nông dân cần bố trí cơ cấu cây trồng và thời vụ, cố gắng né tránh những yếu tố khí hậu bất lợi khi cây trồng nở hoa, thụ phấn, thụ tinh, chín, thu hoạch...

Để hạn chế và làm giảm sự tác động đến cây trồng, ngoài yếu tố môi trường, nông dân cần quan tâm đến sử dụng giống. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) thời tiết theo hướng bất lợi như hiện nay, việc sử dụng giống tốt, giống chống chịu sâu, bệnh và các yếu tố ngoại cảnh bất lợi và bố trí thời vụ thích hợp,... sẽ là nhân tố đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp thắng lợi.

Dịch bệnh COVID-19 khiến nền kinh tế lao đao, trong đó có nông nghiệp. Trong hoàn cảnh hiện nay, theo ông, nông dân cần làm gì?

Dịch COVID-19 cũng chỉ tồn tại có tính lịch sử trong một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, vi khuẩn, vius, nấm, sâu, bệnh,... luôn luôn tồn tại trong tự nhiên bởi chúng cũng luôn luôn biến đổi (biến dị) để thích ứng với những BĐKH và môi trường sống của chúng trong tự nhiên.

Trong điều kiện hiện nay, nông dân hãy bình tĩnh, vẫn sản xuất, vẫn thu hoạch, vẫn lưu thông hàng hóa… Để giảm thiểu những rủi ro, nông dân và Nhà nước nên đầu tư để cơ giới hóa các khâu trong sản xuất; đặc biệt đầu tư tự động hóa trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Việt Nam đang trên đường phát triển, việc tham gia thị trường đang mới là bắt đầu. Nông dân đang sản xuất theo phong cách sản xuất cái chúng ta có, chưa sản xuất cái người ta cần (thị trường). Do đó phải thay đổi tư duy nhận thức; sản xuất theo yêu cầu của thị trường; sản xuất cái thị trường cần: về số lượng, chất lượng, mẫu mã,... và phải sản xuất theo địa chỉ - nghĩa là phải căn cứ vào đầu ra của sản phẩm (thị trường) và các tiêu chí của sản phẩm (chất lượng).

Ông vừa nhắc đến những giải pháp để tránh cụm từ… "giải cứu” không chỉ xuất hiện ở mùa dịch bệnh mà rất nhiều thời điểm. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến phải “giải cứu” từ đâu?

Do chúng ta thiếu dự tính - dự báo; sản xuất theo phong trào nên khi thừa, khi thiếu. Sản xuất theo kiểu được đâu hay đấy. Để đảm bảo hàng hóa sản xuất có nơi tiêu thụ, nông dân phải tham gia vào các tổ chức, sản xuất theo chuỗi để chủ động trong các khâu, có như vậy mới tránh được tình trạng phải "giải cứu" như đã xảy ra.

Với điều kiện thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, người ta đang nói nhiều đến việc “thích ứng”. Có lẽ con người đang phá vỡ cấu trúc tự nhiên?

Nông nghiệp thâm canh đã làm cho hệ sinh thái tự nhiên bị tác động; phong trào trồng rừng kinh tế làm cho hệ sinh thái theo tầng, lớp của tự nhiên bị tàn phá và hậu quả như chúng ta đã thấy.

Để thích ứng với điều kiện của tự nhiên, nông dân phải nhanh chóng trả lại cho tự nhiên những gì tự nhiên đã mất,... phải thân thiện với môi trường. Thay vì trồng rừng kinh tế nay chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, khôi phục lại hệ sinh thái số chung. Sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ để tăng tính thích ứng; hạn chế sự can thiệp có tính chất hủy diệt của con người…

Các nhà quản lý cũng nên nhìn xa, không vì phong trào đô thị hóa, kinh tế đơn thuần mà làm cho các vùng sinh thái bị phá vỡ - nhiều thế hệ sẽ gánh chịu. Phải để cho tự nhiên tự điều tiết, con người tác động theo hướng có lợi cho tự nhiên để tránh được những hậu họa khôn lường.

Trong điều kiện hiện nay, nhiều nông dân đang rất lo lắng vụ hè thu sẽ thiếu nước. Bằng kinh nghiệm bám đồng ruộng của mình, ông đánh giá tình hình sắp tới và đưa ra những giải pháp gì giúp nông dân ứng phó?

Nước thì không thiếu nhưng do chúng ta sử dụng nước thiếu kế hoạch, tiết kiệm. Chúng ta thiếu các hồ chứa nước trong mùa mưa để giữ nước tưới cho mùa khô.

Hiện tượng "Thượng nguồn tích thủy - hạ nguồn khan" đã xảy ra. Do đó, cần phải thay đổi cách điều tiết nước để đảm bảo cho tưới tiêu. Cần tăng cường thiết kế hệ thống ao hồ, đập chứa nước, hệ thống kênh mương tự chảy, hệ thống máy bơm thủy lợi. Hệ thống thủy lợi đảm bảo, chắc chắn không thể thiếu nước tưới.

Nông nghiệp dù gặp khó khăn nhưng được xem là “cứu cánh” cho nền kinh tế trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát. Giai đoạn tiếp theo trong năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh có “gánh vác” được trọng trách?

Đã có thời chúng ta lấy nông nghiệp làm cơ sở cho sự phát triển công nghiệp và các ngành kinh tế. Và trong giai đoạn dịch COVID -19 mới thấy vai trò của nông nghiệp thực sự là “cứu cánh” cho các lĩnh vực kinh tế khác.

Sản xuất nông nghiệp không vì dịch COVID mà đình trệ. Ngành nông nghiệp vẫn là ngành "gánh vác" cho các ngành sản xuất khác trong cơn vấn nạn và nông nghiệp vẫn là ngành đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước và xuất khẩu.

Tuy có ảnh hưởng của khí hậu thời tiết, nhưng ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn vượt qua được thử thách, vẫn là ngành "gánh vác" trọng trách trong hoàn cảnh hiện nay.

Lê Thọ (thực hiện)