Lãnh đạo BĐBP tỉnh tặng quà cho Nhân dân bản Cô Tài (Lào)

Từ chuyện cứu chữa bệnh nhân mùa COVID-19

Sau thời gian chữa khỏi bệnh và cách ly theo quy định, ông Cu Đi (sinh năm 1945, quốc tịch Lào) đã được Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Bộ đội Biên phòng tỉnh bàn giao cho lực lượng chức năng của nước bạn để đưa về quê hương. Trước khi rời Việt Nam, ông Cu Đi đã bật khóc, liên tục nói lời cảm ơn: “Tôi thật sự rất xúc động. Cảm ơn các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế đã cứu chữa cho tôi lúc nguy nan. Quân y biên phòng, Trung tâm Y tế huyện A Lưới đã chăm sóc tận tình, chu đáo giúp tôi khỏi bệnh, tôi rất trân trọng và biết ơn”.

Ông Cu Đi là trường hợp đặc biệt được các lực lượng chức năng của Huế cứu chữa ngay trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Thượng tá Trần Ngọc Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt nhớ lại, cuối tháng 3, đại diện Đại đội Bảo vệ biên giới 531 và Đồn Công an Tà Vàng (Lào) đến liên hệ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt nhờ cứu chữa cho ông Cu Đi (thường trú tại bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào) đang trong tình trạng nguy kịch, có triệu chứng tắc đường tiểu, viêm đường tiết niệu. “Đây là trường hợp nguy kịch, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Được sự nhất trí của UBND tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đơn vị đã lập tức cho phép nhập cảnh, tiếp nhận công dân, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện A Lưới cứu chữa kịp thời đối với công dân nước bạn”, Thượng tá Trần Ngọc Sơn kể.

Đại diện Trung tâm Y tế huyện A Lưới chia sẻ, bối cảnh dịch bệnh nên việc điều trị có những khó khăn hơn. Ngoài chữa trị, các y bác sĩ còn động viên, trao đổi để ông Cu Đi cách ly theo quy định, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán COVID-19. Điều may mắn, kết quả cả hai lần xét nghiệm từ Bệnh viện Trung ương Huế đều âm tính, khiến ông Cu Đi càng có động lực chiến thắng bệnh tật.

Ngay khi nhận bàn giao công dân của nước mình, Thiếu tá Sengvixay PHETSAIKHAM, Đại đội trưởng Đại đội Bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (Lào) cảm động nói: “Đường vào trung tâm huyện Kà Lừm rất xa, khó đi lại. Vì thế mà lâu nay, Nhân dân bản Ka Lô cũng như Đại đội 531 và Trạm Công an Tà Vàng khi ốm đau đều nhờ quân y biên phòng và Trung tâm Y tế huyện A Lưới cứu chữa. Các lực lượng chức năng của Việt Nam nói chung và Huế nói riêng lúc nào cũng rất tận tình khiến tôi cảm thấy vô cùng biết ơn. Tôi nghĩ những việc làm đó rất thiết thực, thể hiện truyền thống tốt đẹp của hai nước Việt Nam - Lào, cùng giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn”, Thiếu tá Sengvixay PHETSAIKHAM khẳng định.

Tô thắm tình Việt – Lào

Không chỉ cứu chữa cho bệnh nhân Lào, những ngày qua, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân còn thông qua lực lượng chức năng để gửi những món quà đến với nước bạn Lào, cùng đồng hành, sẻ chia khó khăn giữa mùa đại dịch. Đại diện Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt chia sẻ, để hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng vũ trang và Nhân dân Lào, nhất là khu vực giáp biên thuộc hai tỉnh Sê Kông và Salavan của nước bạn nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và huyện A Lưới cùng các đơn vị đã trao tặng nhiều tấn gạo, khẩu trang y tế, nước rửa tay và nhu yếu phẩm cần thiết.

Giữa bộn bề công việc rồi làm nhiệm vụ chống dịch, song các lực lượng chức năng và người dân cũng không quên đến Tết cổ truyền Bunpimay của Nhân dân các bộ tộc Lào. Theo đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh, tuy tình hình dịch không thể trực tiếp sang nước bạn để thăm chúc Tết, nhưng tại cửa khẩu A Đớt – Tà Vàng và Hồng Vân – Cô Tài đoàn công tác của tỉnh cũng đã gửi lời thăm, chúc tết cổ truyền của các bộ tộc Lào đến lực lượng bảo vệ biên giới, công an, Nhân dân giáp biên thuộc hai tỉnh Sê Kông và Salavan (Lào) có chung đường biên giới với tỉnh. Bà Hồ Thị Thơi, người dân xã Lâm Đớt, huyện A Lưới mong dịch qua mau để có dịp gặp người quen ở nước bạn Lào sau khi đã gửi lời chúc tết qua điện thoại.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng Ban Liên lạc quân tình nguyện Việt - Lào, đại diện Hội Hữu nghị Việt – Lào tỉnh cho rằng, đoàn kết Việt – Lào là chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước. Đó là mối đoàn kết đặc biệt gắn kết, xem nhau như anh em, máu thịt. Không chỉ cùng nhau tham gia các hoạt động thường niên, bảo trợ lưu học sinh hay chúc tết lẫn nhau mà trước những khó khăn như đại dịch COVID-19, việc cùng giúp nhau vượt qua dịch bệnh càng tô thắm thêm tình hữu nghị giữa hai nước.

Bài, ảnh: Hữu Phúc