Khó khăn lớn nhất của nuôi tôm trên cát Ngũ Điền là đầu ra sản phẩm

Ông Nguyễn Cát ở xã Phong Hải thừa nhận, mỗi khi tôm đến thời kỳ thu hoạch, người dân luôn bị động trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Từ khi phong trào nuôi tôm trên cát phát triển đến nay, ở vùng Ngũ Điền chỉ duy nhất một cơ sở thu mua tôm là đại lý Bé Thọ ở xã Quảng Ngạn (Quảng Điền).

Ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho rằng, đại lý thu mua tôm Bé Thọ chỉ là đầu mối trung gian, thu mua sản phẩm của người dân bán lại cho các doanh nghiệp (DN). Đại lý này không có điều kiện, khả năng về kho bãi, công nghệ cấp đông dự trữ sản phẩm nên khi các DN không thu mua thì đại lý này cũng đành “bó tay”.

Ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, giá tôm quá thấp, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho toàn vùng Ngũ Điền, trong đó xã Phong Hải thiệt hại nặng nhất 130-150 tỷ đồng. Đó chưa kể đến nay vẫn còn hàng trăm tấn tôm vẫn chưa tiêu thụ, người dân phải tiếp tục nuôi; trong khi mỗi ao nuôi, bình quân mỗi ngày phải chi phí hơn 10 triệu đồng thức ăn, điện, nước, nhân công...

Việc thành lập các HTX có nhiệm vụ tổ chức bao tiêu sản phẩm cho người dân là điều cần thiết. Trước đây, UBND huyện Phong Điền cũng đã thành lập HTX nuôi tôm Phong Hải, có nhiệm vụ hỗ trợ các hộ nuôi về dịch vụ đầu vào, đầu ra, bao tiêu sản phẩm. Từ khi thành lập đến nay đã hơn 7 năm, nhưng HTX hoạt động không hiệu quả, phải tạm ngừng.

Giám đốc HTX nuôi tôm Phong Hải, ông Võ Kháng lý giải, từ khi thành lập đến nay, HTX yếu về mọi mặt, từ con người đến tiềm lực tài chính. Trình độ, năng lực, uy tín đội ngũ cán bộ HTX “quá non”, không có khả năng kết nối thị trường, các DN để tiêu thụ sản phẩm. Vốn điều lệ quá ít, không thể tổ chức các dịch vụ cung cấp thức ăn, vật tư, kỹ thuật sản xuất. Trong khi đó, HTX  khó tiếp cận nguồn vốn từ các kênh để đầu tư phát triển vì không có tài sản thế chấp.

Trước yêu cầu cấp thiết, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Phong Điền, Liên minh HTX tỉnh có giải pháp hỗ trợ, củng cố, thành lập các HTX đảm bảo năng lực tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho vùng nuôi tôm trên cát Ngũ Điền.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, ông Nguyễn Đăng Thành thông tin, huyện cũng đã tiến hành khảo sát, làm việc với các xã Phong Hải, Điền Hương để có biện pháp hỗ trợ thành lập, đầu tư củng cố, phục hồi và phát triển quy mô hoạt động của các HTX thủy sản. Các địa phương đang tập trung tuyển chọn nguồn nhân lực có trình độ, tâm huyết kết hợp với đào tạo nâng cao năng lực điều hành. Huyện cùng các ban ngành tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ các HTX về mặt tài chính, vay vốn đảm bảo quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn khẳng định, HTX có vai trò rất quan trọng trong quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Chỉ tính trong vòng một tháng nay, nhiều HTX đã tổ chức tiêu thụ một lượng lớn gia cầm, tôm, cá… cho bà con nông dân do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Liên minh HTX cũng đã nắm bắt tình hình thực tế tại các địa phương nhằm có sự định hướng phù hợp, hỗ trợ việc thành lập, củng cố các HTX thủy sản ở Ngũ Điền nhằm tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân. Liên minh HTX sẽ hỗ trợ các HTX tiếp cận các cơ chế, chính sách về tài chính; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đào tạo trình độ, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý... đảm bảo mang lại hiệu quả hoạt động.

Đến nay, toàn vùng Ngũ Điền có khoảng 400 ha ao hồ nuôi tôm trên cát của các DN, nhóm hộ, hộ cá nhân với sản lượng khoảng trên dưới 10 ngàn tấn sản phẩm mỗi vụ (trong điều kiện không bị dịch bệnh). Trong quy hoạch của huyện Phong Điền có khoảng 900 ha nuôi tôm trên cát ven biển, tập trung ở các xã Phong Hải, Điền Hương, Điền Lộc, Điền Môn, Điền Hòa.

Bài, ảnh: Hoàng Triều