Theo số liệu thống kê từ ngành du lịch, đến giữa tháng 4/2020, Huế có khoảng 13.000 lao động trực tiếp và khoảng 30.000 lao động gián tiếp ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Khoảng 90% lao động bị mất việc làm và nghỉ việc không lương. Mất việc đồng nghĩa sẽ có một “làn sóng” dịch chuyển lao động lớn giữa DN này đến DN khác, giữa điểm đến này và điểm đến khác.

Đó là điều không thể tránh khỏi, dù hầu hết các chủ sở hữu lao động và chắc rằng, tuyệt đại đa số người lao động cũng không hề mong muốn điều này. Bởi, hệ lụy của sự xáo trộn này sẽ gấp nhiều lần so với cơ hội được mở ra cho các lao động.

Về phía chủ sở hữu lao động, cụ thể là các DN, cơ sở lưu trú, sau một thời gian đào tạo nhân viên, từ những lao động có tay nghề thấp, nay thành thạo, chuyên nghiệp. Vì dịch bệnh, không đủ kinh phí trả lương, DN không thể giữ chân người lao động chất lượng này. Sau dịch, với những DN nhỏ, sẽ rất khó để thu hút được những lao động có chuyên môn, tay nghề cao vì theo quy luật thị trường, những lao động này sẽ tìm kiếm một môi trường làm việc mới, phù hợp và có thu nhập cao hơn.

Điều này dẫn đến một tình trạng khác ở các DN vừa và nhỏ, đó là tuyển dụng theo kiểu “cho có” và yếu về chất lượng khó tránh khỏi. Hoặc tuyển dụng sẽ mất thêm thời gian đào tạo, DN vừa và nhỏ sẽ thêm phần khó.

Điều đáng lo ngại này đã được chỉ ra, khi mới đây tại cuộc khảo sát của ngành du lịch, chỉ các DN lớn là có chính sách để giữ chân lao động, còn các DN vừa và nhỏ ở Huế gần như chấm dứt 100% lao động hợp đồng với lao động của mình. Điều này đồng nghĩa với việc sau khi hết dịch, DN sẽ bắt đầu lại từ đầu ở khía cạnh tìm kiếm lao động.

Về phía người lao động, nghỉ việc, thất nghiệp đồng nghĩa với việc sẽ tìm một công việc mới sau dịch. Đối với những lao động trẻ, được đào tạo bài bản, đây là cơ hội mới để tìm kiếm môi trường làm việc mới tốt hơn. Nhưng với những lao động lớn tuổi, thiếu chuyên môn, tìm được công việc như mong muốn chắc hẳn sẽ khó khăn.

Tạm thời không đề cập đến khó khăn, thiệt hại mà phân tích những tích cực từ biến động này. Du lịch là ngành dịch vụ, đòi hỏi tính chuyên nghiệp, chuyên môn cao. Do đó, đây là cuộc “cách mạng” cho chất lượng dịch vụ, điều mà dù đã có nhiều thay đổi, song ở Huế vẫn bị đánh giá yếu, nhất là ở lĩnh vực lưu trú thấp sao, khối nhà nghỉ du lịch, homestay.

Xét trên khía cạnh kinh doanh và phương diện đầu tư, đặc biệt là đầu tư mang tầm chiến lược, dài hạn thì đây là thời điểm hoàn hảo cho những “ông lớn” đầu tư. Ở ngành mang tính đặc thù như du lịch, đầu tư vào “con người” chính là đầu tư mang tầm chiến lược và dài hạn.

Sự cạnh tranh là khó tránh khỏi. Cạnh tranh luôn có hai mặt, bằng cơ chế tốt, môi trường làm việc chuyên nghiệp, sẽ nâng chuẩn chất lượng, lúc này tốt cho du lịch. Khi tất cả DN đều tốt, sẽ xây dựng được một điểm đến chất lượng. Trong cuộc cạnh tranh này, cũng là lúc đào thải những người yếu kém và tái cơ cấu lại tổ chức để vận hành bộ máy.

Sự cạnh tranh sẽ vượt qua phạm vi ranh giới trong tỉnh, khu vực. Lao động sẽ dịch chuyển từ khu vực sang khu vực khác. Dĩ nhiên, nơi nào có cơ chế, môi trường làm việc tốt sẽ hút được lao động. Nhìn vào sự biến động này, cũng là căn cứ để nhìn nhận, đánh giá lại “sức hút” của mỗi điểm đến nói chung và Huế nói riêng.

Cạnh tranh là điều tất yếu và cần thiết của sự phát triển. Sự đào thải là điều sẽ xảy ra trong cạnh tranh tùy theo mức độ. Sự chủ động luôn là yếu tố quan trọng cho các DN, cơ quan quản lý về du lịch và cả lao động trong hoàn cảnh này. Về lao động, chủ động nâng cao chuyên môn; về DN có những chính sách phù hợp và cơ quan quản lý có định hướng, kế hoạch phát triển tốt.

QUANG SANG