Gần một tuần trôi qua không rời khỏi nhà, sáng nay có việc cần phải ra phố. Trên chiếc xe máy quen thuộc đi thật chậm trên con đường Lê Lợi cũng rất quen thuộc, phố trầm hơn bởi có ít người qua lại. Đường vắng, những ngôi trường thiếu bước chân học trò. Dừng chân trước cổng Trường Quốc Học, nghe tiếng lá xào xạc trên lối đi, điệp anh đào - loài hoa đã từng gọi về trong nỗi nhớ miên man của biết bao thiên thần tuổi mộng mơ, giờ lặng lẽ nhuộm sắc hồng dịu dàng mà kiêu sa một góc trời. Tôi đứng trước cổng trường mà lòng thẫn thờ. Ừ, đúng rồi, bằng thời gian này năm trước, những trang lưu bút xanh của các cô cậu cuối cấp bắt đầu trao nhau, rồi thao thức khi mùa thi đến gần. Vậy mà, giờ chỉ nghe tiếng gió đuổi trên lá khô.
Bảy ngày tự tìm niềm vui bình dị trong ngôi nhà của mình, mấy người bạn thân hỏi thăm rồi tán chuyện qua chiếc điện thoại. Nhịp sống bên ngoài có vẻ bình yên. Lướt web, chưa bao giờ thấy người với người giao lưu, giao dịch qua mạng nhiều đến thế. Không gặp gỡ, không giao lưu lúc này là biểu hiện của lối sống văn minh. Lời khuyên bỏ smartphone xuống, xích lại gần nhau hơn không còn phù hợp. Bởi lẽ giữa bão dịch này ở nhà là yêu nước.
Sống trọn vẹn và có ý nghĩa trong từng khoảnh khắc của hiện tại là điều mà rất nhiều người chiêm nghiệm trong khoảng thời gian này. Hàng trăm, hàng triệu người dân Nga đêm đêm vẫn chờ đợi, đón xem những vở múa ballet kinh điển từ các vũ công nổi tiếng qua online được phát đi từ sân khấu nhà hát lớn Matxcơva. Dưới vạt nắng ban mai, đâu đó những đứa trẻ vẫn tắm ánh bình minh, trong những ngôi nhà cao tầng nơi phố thị hay những túp lều đơn sơ nơi bản làng xa ngái, các con vẫn cất tiếng ê a trên từng trang sách nhỏ. Nghĩa là cuộc sống vẫn cựa mình, sinh sôi, nảy nở.
Giữa đại dịch, biết dừng chân, sống chậm lại để ngộ ra nhiều điểu tưởng chừng giản dị cũng đáng quý lắm thay! Lúc này, thèm nghe giọng ca trong trẻo của Trần Thu Hà: Bình yên để nắng soi môi thơm/ Bình yên ta mừng/Mừng em đã hết đau thương về đây ấm cúng/Mừng em đã biết xót thương tình yêu.
Mong bình yên và chắc chắn sẽ bình yên. Ngày mai, nắng sẽ lên thôi.
TRẦN VĂN TOẢN