Tam quan chùa Đông Thuyền. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

 

Ngôi chùa và nàng công chúa

Dân gian Huế có câu “Trống Đông Thuyền, chuông Thiên Mụ”. Đông Thuyền (còn được gọi là Đông Thiền) là ngôi cổ tự do ngài Tế Vỹ - đệ tử của Tổ Liễu Quán, đời 36 của phái thiền Lâm Tế - khai sơn vào hậu bán thế kỷ XVII, hiện ở phường Thủy Xuân, TP. Huế. Vẻ độc đáo của chùa là vẫn bảo tồn được kiến trúc, điêu khắc thuần khiết, bình dị mà trang nhã của mỹ thuật đầu thời Nguyễn.

Chùa nằm trên một ngọn đồi tròn như hình con rùa, một dòng khe uốn quanh dưới chân, chung quanh là ruộng đồng và gò núi trùng điệp, cảnh quan đẹp đẽ. Khuôn viên rộng gần 3.000m2, cây cối xanh tươi thoáng mát.

Lúc khai sơn, Đông Thuyền chỉ là một thảo am nhỏ do ngài Tế Vỹ dựng nên để hương khói cho tháp mộ của thầy là Tổ Liễu Quán. Có nhà nghiên cứu cho rằng, ngài Tế Vỹ chỉ dựng một thảo am để tu hành, có lẽ cũng không thu nhận đệ tử, sau khi ông qua đời, thảo am cũng nhanh chóng suy tàn, đất đai bỏ hoang, xã Dương Xuân đã chia nhau canh tác từ thời quân Trịnh chiếm đóng Thuận Hóa.

Đầu thế kỷ XIX, công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Cơ, con gái thứ mười ba của vua Gia Long, mẹ là Nguyễn Đình Thị Vĩnh, sau khi chồng và 2 con mất, đã xuất gia thành tỳ kheo ni. Được sự trợ cấp của vua Minh Mạng, công chúa Ngọc Cơ bỏ thêm tiền riêng mua lại và tái kiến chùa, đặt tên Đông Thiền, tôn trí long vị ngài Tế Vỹ để thờ phụng. Theo tục lệ của Phật giáo, tỳ kheo ni không được đứng khai sơn một ngôi chùa, nên Ngọc Cơ đã phải thỉnh một vị hòa thượng có uy vọng là Ngài Đạo Tâm Trung Hậu ở chùa Thuyền Tôn làm tọa chủ (danh dự). Công chúa Ngọc Cơ còn xây dựng thêm ngôi từ đường phía sau để thờ chồng là phò mã Nguyễn Huỳnh Thành, con trai và bố mẹ chồng, sau đó nhờ người dân xã Dương Xuân chăm sóc hương khói. Năm Minh Mạng 19 (1838), dân làng trùng tu, khắc văn bia thuật rõ sự tích. Chùa Đông Thuyền và ngôi từ đường của công chúa Ngọc Cơ tọa lạc chung một khuôn viên. Lịch sử hai cơ sở này quan hệ mật thiết với nhau, có ngôi chùa rồi mới có nhà thờ, và ngược lại, có nhà thờ rồi ngôi chùa mới tồn tại đến ngày nay.

Từ những năm 30 của thế kỷ XX, chùa thiếu sư thường trú nên rơi vào cảnh điêu tàn. Mãi cho đến sau năm 1975, sư bà Diệu Không mới đứng ra nhận trụ trì và giao cho ni cô Diệu Đạt phụ trách phục hồi sinh hoạt ở đây.

Sư bà Diệu Đạt chăm sóc vườn cây trước chùa. Ảnh: HỒ HOÀNG THẢO

Những kỷ vật vang bóng một thời

Dưới thời các vua Minh Mạng và Thiệu Trị, chùa tiếp tục được tôn tạo, hiện còn bia ghi việc trùng tu này. Kiến trúc chùa ngày nay vẫn giữ được đường nét xưa, còn lưu giữ chiếc khánh đồng có từ thời ngài Tế Vỹ, tấm biển sơn son thếp vàng thời Thiệu Trị, bia bằng đá thanh thời Minh Mạng, tượng thờ cổ và chiếc trống cổ được cho là lớn nhất Huế. Chiếc trống cổ chùa Đông Thuyền, đường kính khoảng 2m, dài đến 3m. Bên trong lòng trống có những móc thép kéo chéo với nhau, bền vững.

Chùa cũng có một chiếc khánh đồng khắc dòng chữ “Hoằng Nguyện Nguyễn Thị Châu, thân tử Trương Văn Đang tín cúng Tam bảo Đông Thuyền tự khai sơn sa môn Tế Vỹ. Phục nguyện: Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển”, (nghĩa là Hoằng Nguyện Nguyễn Thị Châu và con trai Trương Văn Đang xin dâng Tam bảo sa môn Tế Vỹ, khai sơn chùa Đông Thuyền. Cúi xin nguyện: ngày Phật sáng thêm, bánh xe pháp quay mãi). Lạc khoản đề: “Chú mật Đinh Hợi niên Tân Hợi nguyệt Ất Hợi nhật” (Đúc ngày Ất Hợi, tháng Tân Hợi năm Đinh Hợi). Các nhà nghiên cứu đã phân tích, kết luận đó là ngày 15 tháng mười năm Đinh Hợi, đối chiếu dương lịch nhằm ngày 5 tháng 12 năm 1767 - lúc ấy, Ngài Tế Vỹ còn tại thế, dưới triều đại Nguyễn Phúc Thuần.

Năm 1844, công chúa Ngọc Cơ làm hội chủ đúc quả chuông chùa, “thân chuông đã có khắc “hội chủ” là Thái trưởng công chúa thứ mười ba cùng tên một số người khác, trong đó có mẹ công chúa là Nguyễn Đình Thị Vĩnh, có hai bà Phan Văn Thị Hạc và Đặng Công Thị Lục, cùng nhiều người khác nữa, có hòa thượng Tế Chánh Bổn Giác chứng minh. Chuông nặng 398 cân, cao khoảng 1m, nếu kể đến đầu con bồ lao thì chuông cao được khoảng từ 1m30 đến 1m40. Trên thân chuông có khắc chữ “triện”, chữ “phù”, và chữ Hán viết chân phương, hoa văn cũng giản dị. Lạc khoản đề "Thiệu Trị tứ niên trọng hạ".

Trống, khánh và chuông lừng danh một thuở bây giờ đã hư hại. Sư bà Diệu Đạt cho biết, trống thì còn giữ trong kho song đã hỏng, khánh và chuông thì đã mục nát từ lâu. Tuy nhiên, hiện nay khu vực chùa Đông Thuyền và từ đường Công chúa còn một tấm bia đá. Tấm bia này, có người cho biết nguyên xưa dựng tại mặt tiền ngôi từ đường; nhưng năm 1976, khi trùng hưng, người ta nhầm là bia chùa nên dời chỗ, đưa ra dựng ở mặt tiền bên trái trước chính điện. Đến năm 1988, sư bà Diệu Không cho xóa phần kê ruộng đất của công chúa Ngọc Cơ và khắc thêm phần Quốc ngữ phía lưng bia. Bia nguyên tạo năm Minh Mạng 19 [1838], khi Trưởng công chúa còn tại thế, khổ 140x80cm. Dưới đây là một đoạn trên bia do nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu dịch:

“Trinh tiết là cái nết đặc biệt, ai nấy đều mến chuộng. Quốc gia hễ sùng thượng phong hóa thì biểu dương tiết phụ liệt nữ khắp chốn thôn quê. Nhân dân hai xã chúng ta sinh nhằm chỗ đế đô nổi tiếng văn vật, lễ nghĩa dần dần đã thấm sâu từ lâu rồi. Những kẻ ở ấp đây may có người ấy, đức ấy, thực cũng bồi đắp cho nền phong hóa vậy. Nghĩ: Công chúa đem tư dung băng ngọc sánh đôi cùng dòng dõi trung cần, đức hạnh rạng ngời trang quốc sử, tiết trinh khuyến khích lớp bách chu, lại thêm ơn huệ lan khắp mọi người, vẻ tốt đẹp không thể nào che khuất được. Đến như lo nghĩ sâu xa việc hương hỏa trăm năm, cũng thấy rõ một dòng hiếu nghĩa, rất đáng ghi chép vậy. Hai xã chúng ta thành tâm mang ơn thì báo đáp, chẳng hẹn mà cùng hợp nhau, để cho con cháu nối tiếp đời đời không bỏ mất, lại càng đáng ghi chép vậy. Cho nên khắc vào ngọc đá chắc bền để tỏ rõ sự việc, khiến cho chuyện này còn mãi về sau đến ức vạn đời, cùng với trời đất núi sông từ xưa đến nay vậy”…

HỒ HOÀNG THẢO